Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Làm giàu ngân hàng tình cảm

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nghiên cứu về đời sống gia đình cho thấy, nếu một đôi vợ chồng không nói chuyện với nhau ít nhất từ 15 đến 30 phút mỗi ngày thì không thể nói đó là cặp vợ chồng hạnh phúc.

Trong thực tế, không ít người vợ than phiền chồng mình dành quá ít thời gian trò chuyện với vợ. Nhưng ngược lại, nhiều người đàn ông lại phàn nàn, không muốn nói chuyện với vợ, bởi cứ nói là vợ lại kể chuyện của người nọ, người kia, rồi so sánh, nhận định. Mâu thuẫn gia đình nhiều khi xuất phát từ sự nói nhiều, nói ít này. Tất cả chỉ vì vợ chồng chưa hiểu hết tâm lý của “đối phương”…
Có một câu nói vẫn được các chuyên gia tâm lý dẫn ra rằng “đàn ông đến từ sao hỏa, phụ nữ đến từ sao kim”, nghĩa là họ khác nhau một trời một vực. Chính cái sự khác nhau ấy mới hấp dẫn, gắn kết với nhau, tạo ra sự hoàn hảo. Giả sử đàn ông giống phụ nữ hay ngược lại, thế giới này đơn giản hơn, nhưng cũng kém hấp dẫn hơn.
Trong giao tiếp gia đình cũng vậy, đàn ông và phụ nữ nói chuyện với những mục đích khác nhau. Nếu đàn ông nói chỉ là để tìm kiếm, trao đổi thông tin, sự hiểu biết, thì phụ nữ nói là để “giao lưu tình cảm”. Đàn ông ghét nhất là người nói “không có nội dung”, còn phụ nữ ghét nhất là người “không biết lắng nghe”.
Bởi thế, khi người chồng về nhà ít nói, người vợ cũng đừng nghĩ rằng anh ấy không yêu thương, không muốn chia sẻ với mình. Đơn giản, đàn ông chỉ nói khi cần biết thông tin gì đó hữu ích, ví như: “Mai em có đi làm không?”, “Mấy giờ con sẽ đi học về?”… Người vợ cũng đừng giận dỗi người chồng khi những câu nói của họ cụt lủn, ngắn gọn và đầy tính “tra hỏi” như vậy.
Còn với những người chồng, cũng nên hiểu rằng được nói và được người khác nghe là nhu cầu tâm lý của phụ nữ. Họ có thể nói chuyện không đâu vào đâu, bởi họ không cần “cốt chuyện”. Vì thế, nếu phụ nữ có kể chuyện ở cơ quan, chuyện của người bạn nọ, người bạn hay đơn giản chỉ là những thứ vu vơ họ gặp trong ngày.
Khi đó, người chồng cũng đừng khó chịu, đừng tỏ thái độ: “Tôi không muốn nghe chuyện của người khác” hay “Đừng lôi chuyện ở ngoài đường về gia đình”. Nếu không khéo đến mức có thể “bắt nhịp mấy câu”, cũng cứ “lẳng lặng mà nghe” cũng được rồi. Đó là điều các chuyên gia tâm lý đã đúc kết.
Nhiều khảo sát về hôn nhân cho thấy, không cần đợi khi cả hai gây gổ, chiến tranh lạnh thì quan hệ vợ chồng mới có vấn đề, chỉ cần cả hai không còn nhu cầu tâm sự, trò chuyện với nhau, không thể chia sẻ với nhau buồn vui được nữa cũng là lúc gia đình đang trong tình trạng báo động đỏ.
Bởi vậy, trao đổi, chuyện trò giữa vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình được xem là một trong những giao tiếp tất yếu, cần thiết, giúp thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Và hãy nhớ, đánh trúng nhu cầu của một ai đó như tôn trọng sự im lặng của chồng, hay giải quyết tốt nhu cầu được nói và được lắng nghe của vợ là bạn đã thêm vào ngân hàng tình cảm gia đình một khoản nho nhỏ. Một gia đình hạnh phúc là khi có một "tài khoản tình yêu" kếch xù.