[Kỹ năng sống] Những tờ sao kê vô tri tại cây ATM

Nguyễn Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi cần phải ghé cây ATM rút tiền mặt, đập vào mắt tôi là những tờ sao kê nằm ngổn ngang dưới chân, mặc dù luôn có một thùng rác ngay đó.

Tôi biết dùng thẻ ATM từ hơn chục năm về trước, khi ấy tôi bắt đầu đi học xa nhà, bố mẹ làm cho một chiếc thẻ để có thể gửi tiền cho tôi một cách nhanh nhất. Ngày ấy công nghệ chưa phát triển, mỗi lần cần kiểm tra số dư đều phải ra ngân hàng hoặc tại các cây ATM. Dù vậy, khi mỗi lần thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên đó, máy đều hiện lên dòng chữ “Bạn có muốn in biên lai", tôi đều chọn “Không in biên lai", vì đơn giản những gì cần kiểm tra, cần biết tôi đều đã biết, vậy cần lấy thêm tờ biên lai để làm gì? Với tôi đó là sự lãng phí giấy.
Người dân chờ rút tiền tại một cây ATM ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Và cho đến thời điểm hiện tại, khi mà mọi biến động trong tài khoản ngân hàng đều được báo về số điện thoại, thì tại cây ATM vẫn hiện lên dòng chữ “Bạn có muốn in biên lai", để rồi những tờ giấy được in ra và vứt lại ngổn ngang dưới sàn, có người thậm chí còn không cầm tờ biên lai đã in ra khi nó vẫn nằm trên lơ lửng trên máy. Đặc biệt, nếu bạn ghé cây ATM vào cuối ngày hay những ngày cuối tuần, giấy biên lai có thể tràn khắp phòng cây ATM.

Nên chăng, những ngân hàng nên bỏ đi thao tác này trên mỗi cây ATM? Vì rõ ràng khi tiền vừa được rút thì ngay lập tức thông tin đã được cập nhật bằng tin nhắn hoặc thông báo trên ứng dụng của ngân hàng. Vậy việc in biên lai có phải là dư thừa lãng phí?

Là một người sử dụng máy ATM để rút tiền, phải chăng chúng ta cũng nên có trách nhiệm với những tờ sao kê kia. Hãy nhấn “Không in biên lai", thay vì “In biên lai", hoặc nếu không may nhấn nhầm in biên lai, thì hãy có trách nhiệm với tờ biên lai đã được in ra. Ít nhất chúng ta có thể cầm nó lên và ném vào thùng rác, đừng để chúng rơi la liệt trên mặt đất. Và tốt nhất, chúng ta hãy tạo thói quen chọn “Không in biên lai".
Đối với một người thì một tờ giấy in biên lai nhỏ bé không ảnh hưởng gì đến xã hội, nhưng thử hỏi, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng hơn 2.200 cây ATM, một ngày có hàng trăm lượt người rút tiền và vứt lại biên lai tại một cây ATM? Đó không chỉ là sự lãng phí tài nguyên giấy mực, nó còn gây ảnh hưởng đến môi trường.

Những thay đổi nhỏ của chúng ta có thể chưa giúp thế giới thay đổi, nhưng mỗi người góp một chút hành động nhỏ thì có thể. Để một ngày nào đó, khi bước vào cây ATM, chân chúng ta không phải đạp trên một đống giấy vụn vô nghĩa.