Nhiều bậc phụ huynh khi đưa con đến với các chuyên gia tâm lý đều trong tình trạng mệt mỏi vì tính ích kỷ, ương ngạch của con, nhiều người còn lo sợ con mình bị có vấn đề về thần kinh.
Một điều đáng lo ngại là cuộc sống càng khá giả, càng có nhiều bậc bố mẹ, ông bà chiều chuộng, cung phụng quá mức những nhu cầu trẻ. Chỉ đến lúc đứa trẻ ấy mỗi lần muốn gì mà không được đáp ứng là đập đầu vào thành giường, xuống bàn, đập phá đồ đạc trong nhà hoặc nằm ra giữa nhà giãy… đành đạch, các bậc phụ huynh mới hốt hoảng. Nhưng không ít người thay vì tìm cách hạn chế đòi hỏi của con thì lại chiều theo nhu cầu cho trẻ.
Những “cô, cậu bé vàng” nghiễm nhiên xem mình như cái rốn của vũ trụ, trung tâm của mọi sự chú ý. Chính cảm giác mình là tất cả ấy khiến trẻ không biết nghĩ đến người khác, chỉ muốn mọi thứ theo ý mình, tốt cho mình. Do sống trong môi trường được thỏa mãn mọi yêu cầu nên nhân cách của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự ích kỷ ngày một lớn dần, trẻ cho rằng mọi suy nghĩ và đòi hỏi của chúng đều đúng. Những trẻ này dễ phát sinh thói xấu như ích kỷ, đố kỵ, không biết chia sẻ và đồng cảm với người khác.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, để triệt mầm mống của thói hư, rất cần người lớn phải quan tâm, giáo dục trẻ đúng cách. Đánh trẻ cũng không phải là cách tốt nhất để con sửa đổi, mà nên tập cho trẻ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, thiết lập giới hạn cho trẻ, nghiêm khắc, không nên để trẻ chỉ huy. Thống nhất cách giáo dục, mọi người trong gia đình cùng hỗ trợ để giúp trẻ thích nghi, tránh mẹ nói “có”, bố nói “không”, tạo kẽ hở cho trẻ lợi dụng. Trước tiên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết cách đứng lên từ thất bại. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bàn bạc với trẻ về hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện hình phạt khi xảy ra. Có rất nhiều hình thức phạt như cắt ngay những “quyền lợi” không đi chơi, không mua đồ chơi, không mua những món ăn mà trẻ thích, đứng một góc riêng tự suy nghĩ về hành động của mình...
Thay vì nuông chiều, nên bắt đầu giáo dục trẻ ngay từ nhỏ và ngoài thái độ cứng rắn, cũng nên động viên trẻ làm điều tốt, kiểm tra xem trẻ có làm tốt điều được yêu cầu không, khen thưởng khi trẻ tiến bộ. Chỉ có như vậy, những đứa “con cưng” mới có thể là “con ngoan” và là người có ích sau này.