Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Vượt lên chính mình

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, một số phụ huynh khi đối diện với thất bại của con, thay vì có thái độ chia sẻ đúng mực, lại thường tức giận, la mắng, thậm chí làm tổn thương trẻ bằng những ngôn từ xúc phạm như “học dốt kiểu này chỉ có đi nhặt rác”…

 Họ quan niệm, làm cho trẻ tự ái, xấu hổ, trẻ sẽ học được bài học kinh nghiệm và tốt hơn lên. Có nhiều người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nói những lời “bôi nhọ, hạ thấp trẻ”, thậm chí còn xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ bằng những lời nói, hành động rất khó chấp nhận và luôn cho rằng đấy là cách làm để trẻ vươn lên.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tuy nhiên, chính cách giáo dục phản khoa học ấy sẽ “hằn sâu” vào tinh thần và lối sống của trẻ những điều không hay ở cả thời điểm trước mắt và lâu dài. Thực tế cho thấy, sự tổn thương tâm lý là cách hạ giá trị bản thân trẻ nhanh nhất. Trẻ sẽ thấy xấu hổ, nhục nhã khi nghĩ rằng bố mẹ và mọi người xung quanh khinh rẻ. Từ đó, sẽ có mặc cảm về bản thân, có thể mất niềm tin vào chính mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi một đứa trẻ không thấy mình có giá trị sẽ không còn muốn phấn đấu, không muốn vươn lên nữa. Có những trẻ nhạy cảm, sẽ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, thậm chí có những phản ứng tiêu cực như cãi lại, tuyệt thực, bỏ nhà đi… Ngược lại, nếu người lớn quá thờ ơ với thất bại của trẻ, sẽ khiến trẻ yên tâm với những thất bại ấy và tạo tâm lý ỷ lại, không chịu cố gắng.

Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ khi gặp thất bại, thường rơi vào trạng thái chán nản, thua kém và mất tự tin về bản thân. Trẻ rất sợ khi phải chia sẻ điều này với bố mẹ, vì thế nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ và động viên đúng cách, trẻ dễ mất đi cơ hội “vượt lên chính mình”.

Do đó, để giúp trẻ vượt qua sự thất bại một cách nhẹ nhàng và đầy trách nhiệm, người lớn hãy giúp đỡ con với một tấm lòng bao dung và độ lượng. Thay vì truy hỏi, đổ tội, hãy giúp trẻ thấy rõ “mỗi thất bại sẽ là một bài học sâu sắc để rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong tương lai”. Từ đó tập cho trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm với những hành vi mình đã làm. Bên cạnh đó, cần khơi gợi sự tự tin của trẻ bằng việc nhắc nhớ tới những thành tích mà trẻ đã đạt được, tạo cho trẻ niềm tin vào bản thân bằng những lời động viên. Dần dần, trẻ sẽ trưởng thành và bớt va vấp hơn trong những việc tương tự. Ngoài ra, hãy luôn là tấm gương cho con soi về sự tự tin. Khi gặp thất bại hay khó khăn trong cuộc sống, người lớn cũng tránh tỏ ra chán nản, hoặc buông ra những lời bi quan trước mặt trẻ, để trẻ thấy rằng ai cũng có thể gặp thất bại, chỉ khác nhau là ai có đủ nghị lực vượt qua những thử thách đó mà thôi.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng, tôn trọng bằng việc đánh giá nhiều khía cạnh trong con người sẽ đứng vững trong cuộc sống sau này. Môi trường sống này giúp trẻ hiểu rõ điểm mạnh và yếu của bản thân, mỗi thất bại giúp trẻ có thêm một trải nghiệm mới và từ đó luôn tạo ra nhiều lựa chọn linh động cho cuộc sống của mình.