Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 140 năm ngày thành lập huyện Đông Anh (1876 - 2016): Phát triển xứng tầm đô thị trung tâm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, huyện Đông Anh có lợi thế lớn để phát triển thành đô thị trung tâm mang đậm dấu ấn văn hiến, văn minh và hiện đại.

Dấu ấn những công trình
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền từ T.Ư đến TP Hà Nội, một loạt dự án trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng đã được triển khai, góp phần thay đổi tổng thể diện mạo huyện Đông Anh. Có thể kể tới các công trình là tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (QL5 kéo dài) với tổng chiều dài đi qua địa bàn huyện khoảng 13km. Lộ trình giao cắt với đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Văn Kiệt (đường Bắc Thăng Long - Nội Bài) góp phần quan trọng kết nối hạ tầng giao thông tại khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội, tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ cho trục đường Vành đai 2. Phương tiện đi từ các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương có thể dễ dàng di chuyển đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, hoặc đi các tỉnh phía Bắc. Tuyến đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài 10,5km kết nối Trung tâm TP với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có ý nghĩa đặc biệt đối với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị trung tâm phía Bắc sông Hồng. Không chỉ dừng lại ở phạm vi Thủ đô, QL 3 mới (Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) với chiều dài 61km được khánh thành năm 2014 đã góp phần giảm tải cho QL3 (cũ). Tuyến đường mở ra cơ hội để Hà Nội thiết lập và tăng cường giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh, TP vùng núi phía Bắc.

Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được coi là điểm nhấn của huyện Đông Anh trong khoảng 10 năm qua. Trên cơ sở giao thông được kết nối đồng bộ, huyện Đông Anh đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ của T.Ư, TP, tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển các dự án kinh tế - xã hội. Ngày 2/9 vừa qua, dự án xây dựng Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy quy mô khoảng 134ha đã được khởi công. Một loạt các dự án có tầm vóc khác như: Công viên công nghệ phần mềm, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu chức năng đô thị và nhà ở sinh thái, cùng một loạt công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển đô thị dọc đường Võ Nguyên Giáp... Những công trình đã và đang được xây dựng hứa hẹn mang tới cho huyện Đông Anh một diện mạo hiện đại trong tương lai không xa.  
Quy hoạch thúc đẩy đầu tư
Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, cùng với việc mở rộng không gian phát triển của Thủ đô, huyện Đông Anh được giao trọng trách là một phần của đô thị trung tâm TP. Với những đặc điểm cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Đông Anh đã được UBND TP, đặc biệt là Sở QH - KT, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội quan tâm, phối hợp thực hiện các đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch các phân khu đô thị, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, và một loạt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Các quy hoạch đó là Quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, khu đô thị mới xã Kim Chung, khu đô thị mới xã Nam Hồng, khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Tiên Dương - Nguyên Khê, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê... Từ năm 2012 đến nay, UBND TP đã phê duyệt 12 đồ án quy hoạch phân khu đô thị lớn trên địa bàn huyện. Những quy hoạch này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP nói chung, Đông Anh nói riêng. Các quy hoạch đảm bảo tuân thủ theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong đó, chú trọng bảo tồn và chỉnh trang làng xóm dân cư hiện có, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội với các khu vực phát triển đô thị, đảm bảo mật độ đô thị khoảng 30% (còn lại là không gian cây xanh, mặt nước và hạ tầng giao thông).
Giàu tiềm năng phát triển cùng định hướng và quy hoạch chi tiết, rõ ràng, Đông Anh đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều DN trong và ngoài nước những năm qua. Một số DN như Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (SunGgroup), Tập đoàn VinGroup, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex Bình Dương), Tập đoàn BRG, Ngân hàng Thương mại CP Đông Nam Á (SeABank)… đã và đang nghiên cứu, triển khai đầu tư một loạt dự án tầm cỡ quốc tế như: Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Công viên công nghệ phần mềm… Các dự án mở ra cơ hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đông Anh theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. 
Hướng tới đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại
Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo trong vòng 5 năm tới, tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn huyện Đông Anh sẽ có biến đổi lớn, tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới công tác quản lý quy hoạch, khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tái định cư và nâng cao nhận thức, thay đổi nếp sống của cư dân nông thôn dần tiếp cận đời sống đô thị. Đây không chỉ là thời cơ, mà còn là thách thức lớn cho sự phát triển của huyện.
Nhận thức được những vấn đề trên, để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại,  Đông Anh đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2016 - 2020 bằng Chương trình số 06-Ctr/HU về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”. Định hướng những năm tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác lập, rà soát điều chỉnh, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch để việc đầu tư xây dựng cũng như phát triển các ngành kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện. Tăng cường quản lý và khai thác tốt nhất các quy hoạch đã được phê duyệt, kết hợp với chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị bảo đảm phát triển bền vững theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng các loại đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, coi đây là khâu đột phá để đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị…
Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, địa phương luôn xác định: mỗi người dân là chủ thể trong quá trình xây dựng, phát triển và duy trì chất lượng đô thị bền vững. Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức của công dân trong thực hiện nếp sống văn hóa đô thị là một trong những nhiệm vụ  quan trọng, song hành cùng với công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị. Theo đó, công tác tuyên truyền được địa phương hết sức quan tâm với trọng tâm cụ thể được xác định là xây dựng văn hóa trong cải tạo nhà cửa; kinh doanh, buôn bán; giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan; văn hóa giao thông, cũng như trong tổ chức hiếu, hỷ... Theo ông Châm, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh đô thị, việc làm tốt và thường xuyên công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm cũng sẽ góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Đông Anh được xác định là đô thị trung tâm có tính văn hiến, văn minh, hiện đại; có các khu đô thị hiện đại, khu đô thị phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, các khu du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hình thành khu thể thao mới của TP Hà Nội, trung tâm tài chính, triển lãm, thương mại và khu vui chơi giải trí lớn của Thủ đô. 

Tối nay (8/10), trong lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập huyện Đông Anh (1876 – 2016), Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia sẽ chính thức trao Bằng công nhận “Huyện nông thôn mới” cho Đông Anh. Như vậy, huyện Đông Anh trở thành địa phương thứ 2 của TP Hà Nội hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 – 2015, sau huyện Đan Phượng.