Theo lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ vào tháng 3 năm 40 (mùa xuân Canh Tý) với hào khí quật cường cùng khí phách anh hùng, sự hy sinh lẫm liệt của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị còn vang vọng mãi đến ngày nay.
Tương truyền, sau khi Hai Bà từ tiết ở sông Hát đã hóa thành tượng đá, sau khi hóa, khí anh linh sông núi của Hai Bà Trưng kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi. Một đêm đầu tháng 2 âm lịch, hai pho tượng đá tỏa sáng trên sông Nhị trước bãi Đồng Nhân (phường Bạch Đằng). Dân làng đã lấy vải đỏ làm lễ buộc tượng đón các bà vào. Dân gian truyền rằng, tượng đá có cái thế hai tay giơ cao như đang rẽ nước tiến lên, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp. Sau đó, dân làng Đồng Nhân lập miếu thờ ở bên sông. Từ đó, biết bao công trình tưởng niệm của Nhân dân dành cho Hai Bà và các nữ tướng, nam thần của cuộc khởi nghĩa, như đền Hát Môn, đền Hạ Lôi, đền thờ Hai Bà Trưng…, trong đó có di tích lịch sử Miếu thờ Hai Bà Trưng tại phường Bạch Đằng.
Noi gương Hai Bà, Nhân dân phường Bạch Đằng đã đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trong nhiều năm qua phấn đấu thi đua, khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tích, tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Trong năm 2016, Đảng bộ phường tiếp tục đạt trong sạch, vững manh, UBND phường đạt danh hiệu đơn vị Lao động tiên tiến, Quân sự phường đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng…