Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (ngày 9/12/1982 - 9/12/2017) và nhận Huân chương Lao động hạng Nhì lần thứ 2.

Tới dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đại diện Liên hiệp Hội.
Theo GSTS. Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị Khóa V về chính sách khoa học và kỹ thuật, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội Khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 18/NQ/TU ngày 31/8/1982 về khoa học - kỹ thuật. Ngày 9/12/1982, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội được thành lập với 101 hội viên sáng lập, trong đó có 33 đại biểu trí thức của Trung ương và 68 đại biểu trí thức của TP. Sau 10 năm, ngày 18/3/1992, UBND TP ra quyết định đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (gọi tắt là Liên hiệp Hội Hà Nội).

Đến nay, sau 35 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội đã có 39 Hội thành viên gồm các Hội khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội nhân văn và Hội cơ sở trong đó có 1 Hội khoa học và kỹ thuật ở cấp phường, 17 Viện và Trung tâm khoa học và công nghệ cùng 6 đơn vị trực thuộc với hơn 50.000 hội viên.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Hàng năm, Liên hiệp Hội và mỗi Hội thành viên thường xuyên có các chuyên mục phổ biến, tọa đàm, hướng dẫn, giáo dục truyền thông về khoa học và công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý, dịch vụ, luật pháp, về các lĩnh vực sinh học, y học, dược học, bảo vệ môi trường, giao thông, quản lý đô thị... Chủ động tổ chức và tham gia các Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế cũng là một hoạt động quan trọng của Liên hiệp hội và các Hội thành viên. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được Liên hiệp Hội tham gia tích cực.
Từ năm 2008 về trước, hàng năm Liên hiệp Hội và các Hội thành viên có từ 6 – 10 đề tài nghiên cứu cấp TP mà Liên hiệp Hội là Cơ quan chủ quản. Từ năm 2008 đến nay, các đề tài nghiên cứu của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đều do Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý. Các đề tài nghiên cứu đều trong các Chương trình, kế hoạch của TP và có tính ứng dụng cao. Ngoài ra hàng năm, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ cấp cơ sở hoặc phối hợp nghiên cứu với nhiều địa phương trong cả nước.
Liên hiệp Hội cũng thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ với nhiều công trình về bảo vệ môi trường, nông nghiệp, cơ khí, an toàn thực phẩm, nông nghệp, y tế, bảo vệ sức khỏe Nhân dân... Đặc biệt năm 2017, thực hiện Chương trình Quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Liên hiệp Hội đã phối hợp thực hiện Chương trình “Bữa ăn an toàn” theo chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn có sự kiểm soát của nhà nước và Nhân dân bằng tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng hoa chúc mừng Liên hiệp Hội.
Nhằm động viên khuyến khích phát triển sản xuất, sức sáng tạo của các nhà khoa học, các trí thức trẻ, các doanh nghiệp, doanh nhân, học sinh, sinh viên và Nhân dân, hàng năm, Liên hiệp Hội đã vận động các cơ sở trong toàn TP đề xuất các công trình tham gia giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, mỗi năm đều được 3 - 7 giải thưởng, chiếm từ 10 - 20% của tổng giải thưởng toàn quốc.
Sau 35 năm hoạt động, Liên hiệp Hội đã được trao tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ, 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, cờ và bằng khen của UBND TP Hà Nội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng bày tỏ mong muốn, để hướng tới nền kinh tế tri thức, bên cạnh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn TP tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ để đưa Hà Nội tiếp tục phát triển văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế và sự tin yêu của nhân dân cả nước.
Toàn cảnh buổi lễ.
Trong 35 năm qua, một trong những bài học quý báu của Liên hiệp Hội là: Tập hợp, đoàn kết tất cả trí thức trên địa bàn Thủ đô, luôn gắn bó với Đảng bộ và chính quyền TP với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không dao động ngả nghiêng; hướng mọi hoạt động của Liên hiệp hội vào việc thực hiện các nhiệm vụ của hội, các chương trình kinh tế - xã hội của thành phố; thường xuyên đổi mới và phối hợp các hoạt động của Liên hiệp hội với các hội thành viên, với các tổ chức thành viên của MTTQ.
Do đó, Liên hiệp hội cần tăng cường hơn nữa công tác tập hợp đội ngũ, tập trung nguồn lực để đề xuất, tham mưu cho TP những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển; tiếp tục chủ động thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án lớn về kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Liên hiệp hội phải thực sự trở thành một bộ phận tham mưu tin cậy của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, nhất là đối với công tác vận động trí thức.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, trí thức nói chung và đội ngũ trí thức KH-CN nói riêng, đồng thời cam kết tiếp tục chia sẻ và tạo thuận lợi hơn nữa để đội ngũ trí thức KH-CN phát huy và khơi dậy mọi năng lực sáng tạo. Liên hiệp hội là một đầu mối của TP, cần thể chế hoá, thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội một số vấn đề khoa học, giáo dục, công nghệ trên địa bàn. Thành ủy Hà Nội sẵn sàng tiếp thu và nghe ý kiến của các chuyên gia giỏi đề xuất những kế sách hay, đề tài, dự án, chương trình có hiệu quả đối với sự nghiệp xây dựng Thủ đô.