Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Phương Kim Dung, nguyên Phó Ban Tổ chức Thành ủy (1982-1985), nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội (1985-1992), những kỷ niệm khó quên, chất chứa nghĩa tình đã được tái hiện.
Tấm lòng người mẹ Hà Nội...
Nhắc lại thời điểm năm 1979, bà Phương Kim Dung kể: Thời điểm ấy, cùng với tham gia xây dựng phòng tuyến phía Bắc, một số đơn vị nữ hay ở ngoại thành Hà Nội, hội mẹ chiến sỹ đã được củng cố, có nhiều hoạt động thiết thực hướng về bộ đội và các tỉnh biên giới.
Các mẹ đã vận động quà tặng anh em tân binh, ủng hộ các đơn vị bộ đội và các trại thương bệnh binh đóng ở địa phương, bộ đội biên giới bằng nhiều hình thức. Khi đó đã thu góp được 12.150kg thóc; 22.617kg thực phẩm; 153.000 đồng ủng hộ phụ nữ và trẻ em ở biên giới. Rồi Tết đến, Hội phụ nữ các cấp đều cử đoàn đại biểu mang thư và quà của hậu phương tới chiến sỹ các chốt biên giới.
Đặc biệt, năm 1986, bà đã cùng Đảng Đoàn và tập thể lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội phát động phong trào “một vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới”, hưởng ứng phong trào "Áo ấm gửi chiến sĩ biên giới" do T.Ư Hội phát động.
Bà Phương Kim Dung (áo trắng, ảnh phải) cùng phụ nữ Thủ đô hưởng ứng phong trào 'Một vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Theo lời kể của bà Dung, để hoàn thành một vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới, chị em phụ nữ Thủ đô phải mất tới 2 năm (năm 1986 -1987) đan áo bằng tay, rồi lại gian nan vượt những tuyến đường hiểm trở để thăm, chuyển áo tới bộ đội các tỉnh biên giới với sự hỗ trợ vận chuyển của Tổng Cục Hậu.
“Khi ấy, phong trào được Nhân dân, phụ nữ, các HTX, một số xí nghiệp ở Hà Nội tham gia nhiệt tình. Chị em bằng công lao động và tiền tiết kiệm, đã góp được một triệu đồng mua len đan áo, tạo thành một phong trào mạnh ở Thủ đô. Cứ sáng đi làm, tối về, chị em lại hào hứng, miệt mài đan áo các cỡ. Đan nhanh, đan đẹp để kịp chuyển tận tay các chiến sỹ biên giới những chiếc áo ấm đúng vào mùa rét, dịp giáp Tết. Tình dân quân san sẻ như thế đấy…” - bà Dung nhớ lại.
Bà Phương Kim Dung xem lại những bức ảnh Hội LHPN TP Hà Nội cùng phong trào 'Một vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới'. |
Nhớ lại chuyến của Đoàn đại biểu TP Hà Nội tới chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang vào năm 1986 để mang những chiếc áo ấm, trao tận tay cho các chiến sỹ, bà Dung xúc động: “Ở biên giới, trời rét căm căm, rét gấp nhiều lần so với Hà Nội. Thấy thương lắm khi nhiều chiến sỹ, đêm đến, phải canh gác mà không có áo ấm để mặc. Lúc này, thấy phong trào áo ấm sao ý nghĩa, ấm áp đến thế!.
Nhận áo ấm, nhiều chiến sỹ xúc động khóc khiến tôi cũng khóc theo... Nghĩa tình quân dân, tình cảm hai bên thắm thiết như mẹ với con, như chị với em”. Như bà Dung chia sẻ, sau này, các Sư đoàn, Trung đoàn đã gửi những bức thư chan chứa tình cảm cảm ơn các mẹ, các chị, em gái Thủ đô đã dành tình cảm cho họ.
Đầy ắp những món quà nghĩa tình
Phong trào từ những năm ấy tiếp tục được Hội LHPN TP Hà Nội duy trì đều đặn, không chỉ dừng ở áo ấm, liên tiếp những chuyến thăm đầy ắp các món quà nghĩa tình khác của phụ nữ Hà Nội đã đến với các vùng của Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên…
Sau mỗi lần lên thăm, Thành hội phụ nữ đã kết nghĩa với các đơn vị bộ đội. Để rồi mỗi lần đón xuân mới, các tập thể, các gia đình phụ nữ Hà Nội lại không quên chuẩn bị các món quà, các chuyến thăm chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Qua câu chuyện của bà Phương Kim Dung, chúng tôi được biết, hai đơn vị là Trung đoàn Thăng Long - Thạch Hãn và Sư đoàn 361 rất gắn bó với phụ nữ Thủ đô. Ngày Trung đoàn Thăng Long – Thạch Hãn đi làm nhiệm vụ bảo vệ ở biên giới Vị Xuyên, đoàn đại biểu phụ nữ Hà Nội đã tiễn chân đơn vị lên đường.
Tết năm ấy, khi nhận được thư của đơn vị, chị em đã cử đại biểu lên thăm tận chốt. Gặp gỡ các chiến sĩ trong những căn hầm thấp chật, ăn những bữa cơm thiếu rau xanh nhưng thật đậm đà tình nghĩa. Khi đơn vị cho một số thương binh về hậu phương điều trị, thành hội đã quyên góp tiền tặng quà cho các chiến sỹ lúc lên đường, tình cảm gắn bó như trong một nhà.
Bà Phương Kim Dung (áo trắng, ảnh phải) cùng phụ nữ Thủ đô hưởng ứng phong trào ''Một vạn áo ấm tặng chiến sĩ biên giới'' (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Còn với Sư đoàn 361, Nhân dân và phụ nữ Thủ đô chính là hậu phương vững chắc. "Kể làm sao cho hết những tình cảm thân thương của những đại biểu phụ nữ Hà Nội đã từng lên với các chiến sĩ các đoàn Khánh Khê, Sao Vàng… với những địa danh thân thuộc của Lạng Sơn. Lần nào cũng đi qua dốc Sài Hồ, còn gọi là “dốc bảy cây”, lần nào cũng được nghe thêm nhiều chiến công mới của các đơn vị Lạng Sơn. Hoa đào nở và chúng tôi lại lên đường…"- bà Dung chia sẻ.
Có thể nói rằng, cùng với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác, những chuyến đi thăm nghĩa tình của Nhân dân Hà Nội cũng như cả nước hướng tới các tỉnh biên giới phía Bắc cứ tăng lên theo thời gian, luôn là nguồn cổ vũ đối với các chiến sỹ tiền phương.