Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/7, Huyện ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ huyện Thạch Thất (Hà Nội) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954 - 13/7/2014).

Tới dự có các đồng chí: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến; Chủ tịch UBMTTQVN TP Hà Nội Đào Văn Bình; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong những năm vừa qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi lễ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi lễ.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, chặng đường xây dựng, phát triển huyện Thạch Thất trong những năm tiếp theo bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn có không ít khó khăn, thách thức. Đó là dù kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững, chưa tạo được môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, hiệu lực quản lý Nhà nước ở một số chính quyền cơ sở còn hạn chế, công tác vận động quần chúng chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Trước tình hình đó, lãnh đạo TP đề nghị, Đảng bộ, chính quyền huyện Thạch Thất cần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII gắn với việc thực hiện 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của TP.

Trong đó, tập trung phát huy tối đa lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường. Trọng tâm là giải quyết việc làm giảm nghèo nhằm ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tiến tới thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

 
 Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất.
Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất.
Thứ hai, cần tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của T.Ư, TP như: Dự án xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, các dự án tái định cư, đất dịch vụ, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội... Đồng thời thực hiện khớp nối các tuyến đường giao thông, tu bổ, chỉnh trang các tuyến đường văn minh hiện đại, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong môi trường đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân. Tập trung mạnh về quản lý đất đai, trật tư xây dựng và môi trường trên địa bàn huyện.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là xây dựng chính quyền để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới Nhân dân, tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ.

Lãnh đạo TP tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng 60 năm qua, nỗ lực phấn đấu giành được thắng lợi to lớn hơn nữa trong thời gian tới.

Thạch Thất là địa phương có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, có truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng sâu sắc. N
ăm 1947, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thạch Thất vinh dự được đón Bác Hồ về sống và làm việc tại đây trong vòng 19 ngày đêm, nay vẫn còn di tích lịch sử Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ngày 13/7/1954 lực lượng Bốt tề cuối cùng ở Chi Quan buộc phải rút chạy, huyện Thạch Thất được hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi của quân và dân huyện Thạch Thất có ý nghĩa quan trọng góp phần rất lớn đến giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

 
Bộ mặt khang trang tại thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất hôm nay.
Thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất hôm nay.
 Theo báo cáo của Huyện ủy Thạch Thất, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, toàn huyện có 2.072 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, 124 Mẹ Việt Nam anh hùng. Tới thời bình, trong công cuộc đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt sau khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ Đô, huyện Thạch Thất tiếp nhận thêm 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Sau mở rộng, huyện Thạch Thất có diện tích hơn 18.000ha, dân số 199.140 người. Huyện đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển rõ rệt.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, từ năm 2002 đến nay, tăng trưởng kinh tế bình quân trên địa bàn huyện đạt 18,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp - TTCN, xây dựng cơ bản của huyện chiếm 67,1%; nông nghiệp chiếm 12,7%; thương mại - dịch vụ 20,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 12 lần so với năm 2001. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,27%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ổn định và tiếp tục được nâng cao.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong tai nạn máy bay trong khi tổ chức huấn luyện dù tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất hôm 7/7.