Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh: Nơi huyền thoại bắt đầu

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường Trường Sơn - đường 559 huyền thoại là ý chí, máu xương của những người nằm xuống. Đây cũng là con đường thể hiện khúc tráng ca của lịch sử, niềm tự hào của triệu triệu người dân Việt Nam và là nơi huyền thoại bắt đầu. Câu chuyện lịch sử của 60 năm trước đang được kể lại từ các hiện vật ở Bảo tàng đường Trường Sơn (Hà Nội) cùng các nhân chứng lịch sử.

 Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn.
Cuốc, xẻng trên tay viết nên trang sử hồng

Thực hiện Nghị quyết số 15 của T.Ư Đảng, ngày 19/5/1959, đoàn công tác quân sự đặc biệt được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho miền Nam, phiên hiệu là đoàn 559. Nhắc về Trường Sơn, nhạc sĩ Phạm Tuyên trong ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” (viết năm 1967) đã viết Trường Sơn không có đường, bộ đội giải phóng phải dùng cuốc, xẻng, đôi bàn tay, chân để làm đường. Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn cho biết: “Trong những năm tháng chiến tranh, tinh thần yêu nước của Nhân dân Việt Nam, nhất là thanh niên rất mạnh mẽ. Học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Thanh niên nam nữ hăng hái tòng quân. Nhiều bố mẹ khóc vì mất con nhưng rồi cũng tự hào khi con mình hy sinh vì Tổ quốc”.

Đường Trường Sơn - con đường được tạo nên từ cuốc, xẻng phải đối mặt với một kẻ thù với nhiều dã tâm trong cuộc chiến không cân sức. Giám đốc CIA Jone Alex M.Cone đã từng nói: “Muốn thắng được cuộc chiến tranh này thì phải xóa hẳn con đường mòn ấy, cái “cuống nhau” nuôi sống Việt cộng miền Nam”. Thực hiện ý đồ đó, Mỹ đã biến đường mòn Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các loại vũ khí. Bên cạnh những loại bom cổ điển vẫn được sử dụng trên quy mô lớn trên chiến trường Trường Sơn, Mỹ còn đưa ra một loại bom thế hệ mới - “bom thông minh”. Đây là những loại bom biết chờ mục tiêu đến gần nhất trong vùng sát thương của nó mới nổ. Hoặc trong quá trình bay có thể tự tìm mục tiêu để đánh phá như bom điện quang EO, bom từ trường MK36, bom dẫn bằng laser MK84.

Edward Timperlake - cựu phi công Mỹ cho biết: “Nỗ lực chặn đứng đường mòn Hồ Chí Minh là vô cùng khó khăn, gần như không thể. Với rừng rậm nhiệt đới ở Việt Nam, không biết bom có đánh trúng mục tiêu hay không, chiến dịch có hiệu quả hay không. Hơn nữa quân đội Nhân dân Việt Nam cực kỳ thông minh, ngụy trang rất tài tình”. Trong 5 năm từ 1967 – 1972, một chiến dịch mang tên Paopai được bí mật thực hiện. Các máy bay của Mỹ mang theo loại pháp được thiết kế đặc biệt mà khi nổ sẽ phát tán chất i-ốt bạc vào trong mây. Sau đó phản ứng với các thành phần trong mây để tạo ra mưa. Với khả năng đó, Mỹ đã biến mùa khô thành mùa mưa, tạo nên những cơn mưa dài dai dẳng dọc tuyến đường Trường Sơn. Biến suối thành sông, biến đường đất thành đầm lầy, làm giảm lưu lượng hàng hóa được Bộ đội Việt Nam vận chuyển qua đây.

Những kỳ tích

Gần 20.000km đường bộ xuyên Bắc - Nam và vươn tới tất cả các chiến trường, cả tuyến mở tất cả 5 đường dọc và 21 đường ngang; hơn 1 triệu tấn hàng hóa và vũ khí được lưu thông, gần 29 triệu mét khối đất đá được đào đắp, đó là những con số kỳ tích về tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. James G. Zumwalt – cựu binh Mỹ chia sẻ: "Đây giống như một trò chơi mà người Mỹ mất rất nhiều công sức để tìm ra con đường, còn người Việt Nam lại dùng mọi cách để che dấu con đường ấy. Ban đầu, đường mòn Hồ Chí Minh chỉ là một lối đi rất nhỏ, rồi dần dần con đường ấy được mở rộng. Và đến khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng thì có những đường được trải nhựa và trở thành quốc lộ”.

Nhà báo Jacques C. Despuech trong cuốn sách “Cuộc tấn công ngày Chúa lên trời” đã viết: “Con đường dài hàng chục nghìn ki-lô-mét bị pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm, vậy mà vẫn như mạng nhện đi muôn ngả. Con đường ấy không chỉ là vật thể mà còn là con đường dân tộc, con đường tâm linh nên có sức bền vững diệu kỳ”.

Ngày quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập đã đánh dấu thắng lợi của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp một phần không nhỏ của tuyến đường hậu cần Trường Sơn. Sức sống của con đường một phần nào đó đã giải thích cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong việc đánh thắng kẻ thù xâm lược.