Trong suốt 70 năm qua, sự kiện lịch sử ấy luôn trở thành nguồn động lực lớn lao để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
19 ngày lịch sử
Nhắc đến Thạch Thất, là nhắc đến vùng đất xứ Đoài nằm ven sông Tích với lối kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà, mảng tường đá ong nâu vàng óng màu thời gian. Đây cũng là quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, là địa danh có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng và nhiều làng nghề truyền thống như mộc Chàng Sơn, chè lam Thạch Xá… Không những vậy, Thạch Thất còn tự hào là nơi đón Bác Hồ về sống và làm việc trong 19 ngày đầu năm Đinh Hợi 1947 với chuỗi nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trồng cây tại Nhà lưu niệm Bác Hồ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải |
Theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư liệu lịch sử được gìn giữ tại địa phương, tối 13/1/1947, Bác Hồ rời Xuyên Dương (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai) về ở và làm việc tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Trong 19 ngày ở Cần Kiệm, Bác cùng với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ đã họp bàn, quyết định nhiều công việc hệ trọng của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là việc Bác ra lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến (16/1/1947), gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ (24/1), thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô (27/1)... Bác còn viết nhiều thư, điện văn gửi Chính phủ, các nhà lãnh đạo, chính khách Pháp, Ấn Độ, Myanmar …
Trong thời gian này, từ Cần Kiệm, Bác Hồ còn đi đến các địa điểm khác như Quốc Oai, Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ)... để chủ trì 3 cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào các đêm 16/1, 22/1 và 2/2/1947. Đêm 30 Tết Đinh Hợi, Bác đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tại núi Trầm (Chương Mỹ) để chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước với những lời kêu gọi hiệu triệu quân dân đồng tâm nhất trí: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng. Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!...”. 18 giờ 30 ngày 2/2/1947, Bác Hồ rời xã Cần Kiệm chuyển đến khu chùa Một Mái, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Trước khi đi, Người mời cụ Nguyễn Đình Khuê (tức cụ Quỹ) chủ nhà sang để cảm ơn và căn dặn cụ cùng con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến và giữ gìn bí mật.
70 năm trôi qua, ngôi nhà lá Bác ở năm xưa đã được gìn giữ, tu tạo thành Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm. Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ chia sẻ, với nhiều kỷ vật gắn bó với quãng thời gian Bác sống và làm việc tại đây, Nhà lưu niệm Bác Hồ trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ noi theo tấm gương Bác Hồ kính yêu.
Vươn mình mạnh mẽ
Lấy truyền thống làm nền tảng, giá trị lịch sử tạo động lực, huyện Thạch Thất đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong những thập kỷ qua, nhất là bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cùng Thủ đô hội nhập. Tự hào là mảnh đất gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất luôn ra sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Những năm gần đây, Thạch Thất được đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp hóa mạnh nhất trong số các huyện ngoại thành với nhiều cụm công nghiệp lớn như Bình Phú, Phùng Xá, Kim Quan…
Dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 chạy về trung tâm huyện Thạch Thất, có thể cảm nhận rõ nét diện mạo tươi mới, hiện đại của một địa phương đang trên đà công nghiệp hóa. Những xưởng cơ khí cán thép, những cơ sở sản xuất đồ mộc luôn nhộn nhịp ô tô ra vào “ăn” hàng… Năm 2016 đánh dấu một năm nhiều thành tựu nổi bật của huyện Thạch Thất, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên phấn khởi cho biết, mặc dù tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế năm 2016 của huyện vẫn đạt 14,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 174% dự toán TP giao, bằng 126% dự toán HĐND huyện giao, là năm có số thu ngân sách đạt cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thạch Thất cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, các dự án tái định cư… Công tác cấp GCNQSD đất ở lần đầu, cấp GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, trong năm 2016, huyện Thạch Thất có thêm 2 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới là Yên Trung và Cẩm Yên, nâng tổng số xã nông thôn mới của huyện đạt 15/22 xã. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doàn Hoàn cho biết, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã còn lại, tiến tới đủ điều kiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2017, riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị.
Với những kết quả đạt được, Thạch Thất đang từng bước vươn lên khẳng định vị thế quan trọng góp phần cùng Thủ đô hội nhập nhanh và bền vững, xứng đáng với địa danh nơi Bác Hồ đã chọn sống và làm việc trong thời khắc lịch sử của 70 năm về trước.