Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ sư chế tạo thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khẩu hiệu “Không sợ thiên tai mà hãy chủ động ứng phó với thiên tai”, kỹ sư, doanh nhân Trần Vũ Thành (SN 1973), chủ nhiệm “Dự án nước ngọt nghĩa tình” cùng CLB những nhà khoa học của Liên hiệp Hội KHKT Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu đã thiết kế chế tạo thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho chiến sĩ và Nhân dân quần đảo Trường Sa, đặc biệt là vùng hạn mặn Tây Nam Bộ.

Kỹ sư Trần Vũ Thành (áo phông) trò chuyện với người dân khi nước ngọt về đảo.

Trải nghiệm từ những chuyến đi thực tế ở Trường Sa, được chứng kiến cuộc sống vất vả của người lính, đặc biệt là vấn đề thiếu nước ngọt. Một năm sau, nhóm kỹ sư trẻ đã thành công, lắp và ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt (thiết bị NT-30) đầu tiên trên đảo. Thực tế, thiết bị NT-30 có công suất thực tế 600 lít nước ngọt/ngày, vượt 20% công suất thiết kế, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. NT-30 chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, xuất xứ trong nước, đạt đủ các tiêu chuẩn chất lượng, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngoài ra, thiết bị còn sử dụng giải pháp giám sát từ xa do các kỹ sư phần mềm Việt Nam phát triển. Các thông tin về hoạt động của NT-30 sẽ được thu thập, lưu trữ và truyền về đất liền định kỳ qua hệ thống GPRS. Qua đó, đội ngũ giám sát có thể theo dõi liên tục, kịp thời phát hiện sự cố và hướng dẫn bộ phận vận hành ngoài đảo xử lý.
Sau 2 tháng vận hành, thiết bị đã đáp ứng đủ khẩu phần 20 lít nước ngọt/người mỗi ngày. Ngoài việc sử dụng năng lượng sạch, trong quá trình hoạt động, máy không gây ra tiếng ồn, không thải bất cứ thứ gì có hại tới môi trường, qua đó không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt trên đảo. Trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, điều kỹ sư Trần Vũ Thành và các đồng nghiệp trăn trở nhất là tác động của môi trường. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê, tình cảm hướng tới quân dân nơi hải đảo biên cương, các kỹ sư cuối cùng đã tìm được cách nâng tuổi thọ hoạt động của máy lên 10 năm. “Sau mỗi 12 tháng vận hành, chúng tôi sẽ cử đội ngũ kỹ thuật ra Trường Sa bảo trì thiết bị, còn lịch sửa chữa, thay thế định kỳ là 5 năm một lần” - kỹ sư Trần Vũ Thành cho hay.
Dự án nước ngọt nghĩa tình được khởi động từ tháng 3/2016, đến nay, nhóm kỹ sư đã lắp thêm được 13 trạm cấp nước ngọt miễn phí cho bà con đồng bào của vùng hạn mặn Tây Nam Bộ, chủ yếu tập trung vào những điểm trường học và trạm y tế. Ngoài 13 dự án, anh Thành dự định sẽ liên kết với một số tổ chức NGO hay những chương trình của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu toàn cầu để thu hút những quỹ dồn về Việt Nam. Qua đó, có thể, phủ diện rộng hơn. “Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 2.000 máy lọc nước, những trạm nước ngọt cấp miễn phí cho các điểm trường và trạm của Đồng bằng sông Cửu Long” - anh Thành đưa ra mục tiêu của nhóm.
Chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt NT-30 đã đáp ứng được phần nào nhu cầu nước ngọt dùng trong sinh hoạt của quân và dân đảo Trường Sa. Thành công bước đầu này mở ra hướng nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống lọc nước cho các điểm đảo khác trong quần đảo Trường Sa, cũng như các đảo ven bờ chưa có nước ngọt của nước ta. Bên cạnh đó, tính chất nhỏ gọn, dễ sử dụng của NT-30 còn là tiền đề cho ý tưởng trang bị hệ thống cung cấp nước ngọt cho mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.