Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo nghiêm túc, đúng kế hoạch

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 29/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo cung cấp, trao đổi thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi chủ trì buổi họp.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo của Bộ GD&DT sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

41 thí sinh vi phạm quy chế thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ ổn định về phương thức như năm 2022. Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, toàn diện, kỹ lưỡng, công tác tổ chức kỳ thi đã kết thúc an toàn, đúng kế hoạch.

Để phục vụ kỳ thi, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc hoàn thành chương trình kế hoạch năm học 2022-2023 và tổ chức ôn tập cho học sinh; tổ chức đăng ký dự thi thuận lợi, kịp thời; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; Công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn; Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao và hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi.

Cục trưởng
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương thông tin chung về công tác tổ chức kỳ thi

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, Thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia thông tin chung về công tác chuẩn bị, chỉ đạo điều hành, phối hợp, kiểm tra cho kỳ thi; đồng thời đánh giá cao công tác phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra chính phủ, Bộ TT&TT.

Năm 2023, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160 (chiếm 94,42%); số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104 (chiếm 5,58%). Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769 (chiếm 4.66%). Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155(chiếm 3.33%). Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187 (chiếm 31,52%). Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921 (chiếm 55,30%).

Cả nước có 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 (đạt tỷ lệ 98,86%); trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%.

Trong hai ngày thi, số thí sinh vi phạm quy chế thi là 41 (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 3 thí sinh); trong đó, có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; có 6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…) là 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Đến thời điểm này, tuy đã xác định có 2 thí sinh (tại Cao Bằng và Yên Bái) đã chụp đề thi (Ngữ văn) gửi ra ngoài nhưng trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Đề thi đảm bảo tin cậy

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi năm 2022, nằm chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không ra vào phần giảm tải hoặc vượt quá chương trình, có tính phân hóa tốt.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 phát biểu tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 phát biểu tại buổi họp báo

Năm nay, lần đầu tiên Bộ sử dụng phần mềm trong quy trình kiểm soát, sàng lọc trong công tác ra đề; điều này hạn chế rất nhiều phần trùng lặp.

Về thông tin câu nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sử dụng ngữ liệu trùng với ngữ liệu đã được sử dụng trong đề thi thử tốt nghiệp của tỉnh Nghệ An và có phần khá trùng với đề thi Ngữ văn Kỳ thi lớp 10 của Hà Nội, GS Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường. Sự khác nhau là cùng ngữ liệu đó nhưng mỗi đề thi có yêu cầu cụ thể khác nhau (phân tích, đánh giá, bình luận, nhận xét…).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách.

Nhấn mạnh về 6 yếu tố tạo nên thành công của kỳ thi, Thứ trưởng nghiêm túc nhìn nhận việc vẫn có sự cố đáng tiếc xảy ra; đồng thời lưu ý đến những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường giám sát công tác chấm thi.

 

Liên quan đến 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết,: Đơn vị sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. Hiện vụ việc tiếp tục được xác minh, xử lý.