Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Tìm cách chống gian lận!

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện của lực lượng Thanh tra Chính phủ vào Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia được đánh giá là điểm mới tiến bộ nhằm tạo sự khách quan, hiệu quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ, Bộ Giáo dục hỗ trợ tối đa
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ đã thống nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Với tầm quan trọng và sự tác động lớn của kỳ thi, Bộ trưởng yêu cầu công tác tổ chức phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém. “Tuyệt đối phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, địa phương có trách nhiệm rất cao. Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT công bố trước đó đã ghi rõ: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào một số việc: Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Đối với đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Tối mật". Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày.
Có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày, có một Phó Trưởng điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi. Bên cạnh đó, việc mở túi đựng đề thi, phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng bài thi/môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT. Các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài.
Ba cấp thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương. Đại diện Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an thống nhất ý kiến, sẽ tích cực phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có sự xuất hiện của thanh tra, kiểm tra ở 3 cấp bộ, tỉnh và sở. Lực lượng này sẽ tham gia thanh kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi.
Trao đổi với báo giới, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, năm nay công tác tổ chức thanh, kiểm tra phải được tăng cường, theo nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm ở các khâu của kỳ thi. Bên cạnh đó, việc thanh, kiểm tra phải được đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thiết thực và hiệu quả.
“Năm nay, kỳ thi sẽ không huy động cán bộ, giảng viên trường đại học tham gia coi thi, chấm thi, chấm thi trắc nghiệm, nhưng Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ chỉ đạo, huy động một lực lượng cán bộ, giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi do thanh tra sở, thanh tra bộ trưng tập” - ông Nguyễn Đức Cường cho hay.
Phân tích về sự xuất hiện của nhiều lực lượng thanh tra (bộ, tỉnh, sở), Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhận định sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra thi ở 3 cấp để tránh trùng lắp trong hoạt động. Để tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình thanh tra, ông Nguyễn Đức Cường cho rằng, sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi, cách thức tập huấn, tài liệu tập huấn. Công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi được thực hiện bằng tài liệu điện tử, có các bài kiểm tra cho nội dung tập huấn, sổ tay nghiệp vụ thanh tra thi dùng cho thành viên tham gia đoàn thanh tra. Theo ông Cường, chỉ những cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu qua các bài kiểm tra mới được tham gia vào các đoàn thanh, kiểm tra.
Được biết, trong tháng 6 này, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi.
Tại buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ mới đây, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tập trung thảo luận. Cụ thể là các nội dung liên quan đến phần mềm chấm thi và phần mềm quản lý thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ ra đề thi; công tác thanh tra thi, trong đó có việc huy động cán bộ, giảng viên đại học tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương; chỉ đạo công tác dạy học và hướng dẫn ôn tập; chuẩn bị cơ sở dữ liệu về học bạ; bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi.