Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký Tuyên bố hình thành Cộng đồng chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra ngay trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN, đánh dấu 10 năm Tiến trình Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các hội nghị liên quan diễn ra từ 18 – 22/11 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.

Ký kết nhiều văn bản quan trọng

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã bàn thảo và ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng chung, ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025 và khoảng 18 văn kiện quan trọng, trong đó có Thông cáo EAS về tăng cường hợp tác hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Biển Đông “nóng” trên bàn nghị sự

Các nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa cấp tiến và khủng bố, vai trò ôn hòa và các vấn đề về môi trường…
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung - Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam tham dự cuộc họp các Quan chức Cao cấp ASEAN trù bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung - Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam tham dự cuộc họp các Quan chức Cao cấp ASEAN trù bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.
Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã phản đối hành động cải tạo đá nhân tạo trái phép của Trung Quốc và các hành động đơn phương leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Đồng thời thảo luận việc thực hiện các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh, thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và bàn bạc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Trước đó, lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra gần khu vực các bãi đá mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép nhằm duy trì an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực.

Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 13 diễn ra hôm 20/11, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN một lần nữa kêu gọi tất cả các bên kiềm chế ở Biển Đông. Tại Hội nghị APSC, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông; hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tăng cường thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC cũng như khẩn trương thiết lập bộ quy tắc ứng xử hiệu quả.

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các quốc gia đối tác nhất trí rằng, trong bối cảnh ASEAN hình thành Cộng đồng chung, các nước trong khu vực cần thể hiện được sự đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông, nhất là nỗ lực thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC, đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.

Việt Nam đóng góp tích cực cho ASEAN

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn nhất quán đóng góp một cách chủ động, tích cực và trách nhiệm cho các mục tiêu kể trên, đồng thời chủ động và tích cực thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung gắn kết, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân tất cả các nước trong khu vực.

Với tinh thần đó, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao lần này nhằm tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn, đồng thời củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất cũng như vai trò quan trọng của ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Các bài phát biểu và ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Việt Nam được Hội nghị đánh giá cao.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương.