Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức hào hùng và gian khổ trong mắt người lính

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 73 năm sau mốc lịch sử Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ký ức về những ngày tháng gian khổ, vào sinh ra tử ấy vẫn in đậm trong tâm trí những người lính.

Họ đã cùng sẻ chia ký ức trong chương trình giao lưu nhân chứng “Một thời để nhớ” do Ban Quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò phối hợp một số đơn vị tổ chức.
Chia ngọt sẻ bùi

Hơn 3 giờ diễn ra chương trình “Một thời để nhớ”, người nghe như bị cuốn vào dòng chảy của những năm tháng cách mạng sục sôi, khi lớp lớp cán bộ, chiến sĩ viết đơn tình nguyện chi viện cho chiến trường miền Nam. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Viện trưởng Viện Khoa học và chiến lược Bộ Công an đã hồi tưởng lại quãng đời hoạt động điệp báo của mình trong thời gian chi viện vào an ninh khu VI.
 Chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử 'Một thời để nhớ'. Ảnh: Lại Tấn
Đó là năm 1964, khi đang công tác tại Cục Bảo vệ Chính trị, ông viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Sau 3 tháng hành quân, đến đầu năm 1965, ông đã vào được đến khu VI. "Anh em phải ăn sắn cả ngày, phát huy “hậu cần tại chỗ”, cán bộ chiến sĩ thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại. Có những lúc thiếu thốn, các chiến sĩ buộc phải nhổ sắn nhiễm độc lên nấu ăn để cầm cự. Tết năm 1966, cuộc họp Chi ủy cơ quan An ninh Khu đã ra quyết nghị, để động viên anh em, ngày mùng 1 Tết, cán bộ khu VI được ăn 2 bữa cơm trắng.

Một kỷ niệm sâu sắc nữa được ông kể lại là vào năm 1971, trong lần đi công tác tại xã Bình Thạnh (Bình Thuận), Mỹ đưa 150 xe tăng vào càn quét. Đêm đó, các chiến sĩ của ta phải lợi dụng thủy triều xuống, đi ra một ngọn núi giữa biển để nằm. Khi đó, sóng đánh lạc ba lô, các chiến sĩ chỉ còn súng với khăn choàng. Rất may địch rút sớm, nên khi quay trở lại xã, người dân đã trang bị lại cho quần áo, đồ dùng. “Lúc đó tôi cảm thấy thấm thía, sống với chết đều phải gắn bó với dân”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh bày tỏ.

Niềm tin chiến thắng

Sống lại hồi ức về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam 73 năm trước, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, chính khát vọng giành độc lập, tự do của tuổi trẻ đã giúp ông chọn con đường cách mạng.

Mồ côi từ khi 7 tuổi, ông xin tham gia phong trào Bình dân học vụ. Năm 17 tuổi tình nguyện nhập ngũ, năm 18 tuổi đã bị bắt tù. Từ 18 tuổi đến 20 tuổi, ông bị bắt thêm 3 lần nữa. Tuy nhiên, chính những năm tháng bị địch bắt đã hun đúc ý chí quyết tâm giành tự do của ông. “Khi Nhật đảo chính, tôi đã vượt ngục. Trong 3 tháng, tôi đã tập hợp được tất cả lực lượng ở Quảng Nam, trong đó tuổi trẻ là nòng cốt. Thời cơ đến, chúng tôi đã phát động đấu tranh và dành chính quyền vào ngày 18/8/1945” - ông Hương kể lại.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chia sẻ, thực tế cuộc Cách mạng Tháng Tám vô cùng gian khổ. Lúc đó, Đảng ta mới thành lập được 15 năm, có 5.000 đảng viên, trong khi cả nước có 25 triệu người. “Dù khó khăn, nhưng mọi người đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đi đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2/9/1945, tôi cùng các đồng đội nghe Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập qua đài. Lúc đó, anh em rất vui mừng, mỗi tiếng nói của Bác khiến mọi người xúc động và đi sâu vào trong tâm trí mình” - ông Hương tâm sự.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những câu chuyện của lịch sử về bản lĩnh, trí tuệ của những người lính năm xưa vẫn hiện hữu và có sức lan tỏa để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.