Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng hợp tác Nhà nước, tư nhân sẽ cho quả ngọt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" sắp ra mắt người xem có một nét đặc biệt khi đây là thành quả của hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong điện ảnh.

Bộ phim được Cục Điện ảnh đặt hàng với nguồn kinh phí đầu tư chính của Nhà nước, phần còn lại từ Công ty Galaxy M&E, Saigon Concert và Phương Nam Phim - sẽ ra mắt trên cả nước vào ngày 2/10.

Kịch bản phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tác phẩm đoạt giải văn chương ASEAN và lập kỷ lục xuất bản khi được tái bản ngay trong ngày đầu ra mắt).
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Theo các nhà phê bình, với kịch bản được tuyển chọn chặt chẽ, các nhà sản xuất tư nhân thực hiện, sự hợp tác Nhà nước-tư nhân này hy vọng sẽ mở ra một xu hướng phát triển mới của điện ảnh Việt Nam, đó là hướng tới những bộ phim giàu ý nghĩa xã hội nhân văn, có giá trị nghệ thuật mà vẫn ăn khách.

Đây là bộ phim được sản xuất theo hướng xã hội hóa hoạt động điện ảnh theo “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 (Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013). Chiến lược nêu rõ một trong những giải pháp sản xuất tác phẩm điện ảnh có sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) là thực hiện đặt hàng các cơ sở sản xuất phim, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Hồi tháng 5 vừa qua, hãng phát hành Fortissimo đã đưa bộ phim này vào danh sách chiếu phim giới thiệu tại LHP Cannes lần thứ 68.

Theo bà Đinh Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy, doanh thu không phải là điều nhà sản xuất kỳ vọng nhất, mặc dù dư luận về phim hiện nay đang tốt và nhà sản xuất tin rằng “hữu xạ tự nhiên hương”.

Bà Hương nhận xét, một thực tế là điện ảnh Việt Nam trước nay phân luồng rất rõ.

Trong khi phim Nhà nước đầu tư đặt nặng mục đích tuyên truyền giáo dục hoặc để gửi đi liên hoan phim tranh giải, thì phim tư nhân lấy giải trí làm đầu, kéo càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt. Cả hai định hướng này như hai nhánh rẽ dường như ngày càng xa nhau.

Thực tế đã có những bộ phim do Nhà nước đặt hàng nhưng không kéo được khán giả đến rạp, chẳng hạn bộ phim “Sống cùng lịch sử” công chiếu năm 2014 và đã gây không ít tranh cãi ở thời điểm đó. Bên cạnh những ý kiến phàn nàn, cũng không ít ý kiến cho rằng không nên nhìn vào doanh thu mà vội chê trách một bộ phim.

Một bộ phim được đầu tư vì mục đích tuyên truyền hay nghệ thuật thì không nên đánh giá nó thành hay bại từ góc độ thương mại. Bởi còn có một thực tế khác là có nhiều bộ phim đã được thừa nhận về chất lượng như “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên, “Bi ơi đừng sợ” của Phan Đăng Di… từng đoạt giải ở những liên hoan phim đẳng cấp thế giới, thế nhưng về Việt Nam, ra rạp thì doanh thu cả hai phim sau mấy tuần công chiếu đều không được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, rõ ràng “kịch bản” tốt nhất vẫn là phải có được những bộ phim giàu ý nghĩa, có chất lượng nghệ thuật mà vẫn ăn khách. Theo bà Hương, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã mở ra sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân và sự “hợp lưu của hai dòng sông lớn thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều”.

Bà Hương cũng cho rằng không nên hiểu hợp tác giữa điện ảnh Nhà nước và tư nhân là pha trộn giữa nghệ thuật với thương mại. Mà nên hiểu tư nhân cũng có thể đầu tư để phát triển nghệ thuật và Nhà nước thì quan tâm hơn tới nhu cầu người xem.

“Một bộ phim làm người ta muốn sống tốt đẹp hơn, đấy là điều mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng mơ ước”, bà Hương chia sẻ. Có lẽ nhà sản xuất muốn nói tới thế giới nên thơ, trong trẻo với câu chuyện cảm động về tình anh em và rung động đầu đời của cậu bé 15 tuổi ở một làng quê nghèo ven biển vào cuối những năm 1980 – nội dung chính của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Chia sẻ về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai “thế giới phẳng”, khi phim ngoại tràn ngập và rất dễ tiếp cận, bà Hương thừa nhận trình độ và kinh phí mà các nước trên thế giới rót vào điện ảnh thì Việt Nam không thể so sánh. Cho nên, nếu chỉ nhìn vào kinh phí, doanh thu hay cơ sở vật chất của mình thì sẽ tự ti, không thể phát triển được.

Bà Hương tin rằng “nếu động cơ phát triển không phải đi từ doanh thu, mà vì con người thì điện ảnh Việt Nam sẽ vẫn có chỗ đứng vững chắc không gì thay thế được trong thế giới phẳng”.