Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng 16/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 71,62 USD/thùng, tăng 0,75 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 15/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 đã tăng 1,23 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 74,47 USD/thùng, tăng 0,59 USD/thùng trong phiên và đã tăng 1,12 USD so với cùng thời điểm ngày 15/12.
Ảnh minh họa. |
Phân tích của các chuyên gia, do thị trường dầu thô kỳ vọng nhu cầu trong năm 2022 duy trì đà tăng, trong khi nguồn cung mới hạn chế đẩy giá dầu ngày 16/12 bật tăng mạnh.
Trong đánh giá triển vọng thị trường dầu năm 2022 được đăng trên trang uy tín đầu tư Schorders, có 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng trong năm 2022 là dịch Covid-19 và nguồn cung từ Iran.
Về nhu cầu, các chuyên gia dự đoán sẽ lên mức 100,23 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2021 và cao hơn mức của năm 2021. Nhận định này được đưa ra dựa trên các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi nhu cầu chuyển đổi từ khí đốt sang dầu cũng như các hoạt động vận chuyển hàng hoá, đi lại sôi động trở lại sẽ thúc đẩy các nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Nếu dự đoán trên là đúng, thị trường dầu thô sẽ cần được bổ sung ít nhất 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Để có được nguồn cung này, thị trường chỉ có thể chờ đợi OPEC, Nga và Mỹ, trong đó OPEC được kỳ vọng nhất. Tuy nhiên, thực tế mấy tháng gần đây, sẽ rất khó để OPEC có thể đảm đương mức sản lượng quá lớn khi phần sản lượng mà OPEC được phân bổ theo thoả thuận tăng sản lượng của OPEC+ được thực hiện khá hạn chế. Nguồn cung từ Mỹ và Nga cũng khá khiêm tốn khi các hoạt động đầu tư hạn chế.
Tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng sẽ chấm dứt việc thu mua trái phiếu nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng cao. Fed cũng sẽ bắt đầu tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và lạm phát tăng, khiến giá dầu lại bắt đầu “leo dốc” cùng với các tài sản rủi ro khác như chứng khoán Mỹ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo có 3 rủi ro đối với thị trường dầu thô là dịch Covid-19, giá tăng đột biến và tăng trưởng suy yếu làm giảm nguồn cung. Trong đó, rủi ro lớn nhất được chỉ ra là nguồn cung dầu từ Iran. Nếu Mỹ và Iran đạt được thoả thuận vào nửa đầu năm 2022, sản lượng dầu của Iran sẽ tăng mạnh vào cuối năm và sẽ tạo tác động rất lớn đến giá dầu.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy mạnh bởi đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 16/12 cũng bị hạn chế mạnh bởi diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 và phần nào từ quyết định giảm mạnh các biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế từ Fed.