Kỳ vọng vào những quyết sách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian tới, phải đánh giá đúng thực trạng hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. Triển khai hiệu quả bước ngoặt trong thay đổi phương châm phòng, chống dịch chuyển từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch cần có biện pháp, cách làm cụ thể chứ không chung chung. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tới cũng là đòi hỏi từ thực tiễn.

Lực lượng chức năng phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Hoa
Phương án nào để vừa phòng, chống Covid-19 hiệu quả, vừa nhanh chóng ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế là những mục tiêu không dễ nhưng các đại biểu cho rằng hoàn toàn khả thi khi giải quyết được những điểm nghẽn trong thực thi chính sách. Đặc biệt, khi Chính phủ đã chuyển tư duy, quan điểm trong phòng, chống dịch từ chống dịch theo “Zero Covid” thành thích ứng linh hoạt, an toàn là một giải pháp, hướng đi đúng trong thời điểm này, vì không thể “đóng cửa” mãi được.
Tuy nhiên, như các ý kiến đã chỉ ra, đầu tiên vẫn phải có sự an toàn, an toàn trong tất cả các khâu, từ câu chuyện là sức khỏe của người dân, đến an toàn trong sản xuất, an toàn trong việc đi du lịch, hay là an toàn ở bất kỳ một lĩnh vực nào - yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Sau đó là kết hợp linh hoạt với việc duy trì những yếu tố khác trong đời sống xã hội, khi đó sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Cùng với đó, một chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể...
Để có những giải pháp tốt nhất, việc phân tích rất kỹ lưỡng để xem dư địa chính sách cho phát triển thời gian tới cũng được đặt ra, trong đó phải giữ được những “trận địa” đang có sự thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt, tạo điểm sáng môi trường đầu tư kinh doanh. Các địa phương phải sáng kiến, linh hoạt hơn, chống dịch nhưng không cực đoan, cát cứ để giải quyết được những vấn đề mới đang đòi hỏi.

Các đại biểu cũng đề cập tới những động lực trọng tâm như khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công; huy động nguồn lực xã hội và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng… Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đầu tiên là cải cách thể chế, đây là vấn đề tạo nền tảng cho mọi hoạt động, để thực hiện các giải pháp còn lại.
Trong đó, môi trường kinh doanh phải cải cách thực sự mạnh mẽ và nhanh chóng trước những đòi hỏi hiện nay; các thủ tục hành chính được tiết giảm để DN, nền kinh tế hấp thụ được nguồn lực hỗ trợ, chính sách để phục hồi sau đại dịch một cách nhanh nhất, để hồi sinh và phát triển. Bởi trước tác động của làn sóng dịch Covid-19, DN là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề, các chính sách hỗ trợ tuy đã có nhưng để tiếp cận lại không phải là điều dễ dàng bởi những quy định pháp lý, các thủ tục hành chính vẫn là rào cản. Do đó, cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách đối với DN cho phù hợp với điều kiện "bình thường mới”, xóa bỏ ngay những quy định không còn phù hợp, cũng như cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những con số, chính sách được đưa ra, các đại biểu cũng thể hiện niềm tin vào những chỉ tiêu đã được xác định dù còn không ít khó khăn. Việc đánh giá lại kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian qua, dự báo các yếu tố thực tiễn để tìm giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn cho “cuộc kháng chiến trường kỳ” được kỳ vọng vào những quyết sách bắt đầu từ nghị trường Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần