Thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, đến 9 giờ sáng nay (18/2), ngoài 8 người thiệt mạng, đã có 26 người nhập viện ở tuyến tỉnh, 35 người nhập viện ở tuyến huyện, nâng tổng số nạn nhân bị ảnh hưởng từ vụ ngộ độc ở bản Tả Chải và uống rượu bên ngoài đám tang trên địa bàn 4 xã biên giới Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu và Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lên 69 người.
Trước diễn biến phức tạp của vụ ngộ độc ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải và các xã lân cận, nhiều ngày qua, chính quyền huyện Phong Thổ và các lực lượng chức năng địa phương đã thành lập nhiều tổ công tác đến từng nhà, từng lán nương, rà từng người dân, để phát hiện sớm những người có ăn uống tại đám tang và sử dụng rượu ở bên ngoài đám tang, nhưng rượu mua không rõ nguồn gốc ở khu vực xã Sì Lở Lầu.
Ngay tối hôm qua (17/2), các tổ công tác ở địa phương đã đồng loạt ra quân thực hiện kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động, thông báo khẩn cấp cho người dân nơi xảy ra vụ việc và các vùng lân cận biết về tình hình ngộ độc rượu trên địa bàn, hạn chế người dân ra khỏi địa phương.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng yêu cầu người dân sở tại không tổ chức ăn cơm, uống rượu tập thể đông người, không sử dụng các loại rượu còn lại trong gia đình và các loại rượu không rõ nguồn gốc.
Nhờ chính quyền vào cuộc quyết liệt, các hộ dân ở bản Tả Chải đã cơ bản trở về nhà từ lán nương để sinh hoạt bình thường. Người dân trong vùng đã bắt đầu ý thức được việc uống rượu mua tại xã Sì Lở Lầu và rượu không rõ nguồn gốc. Sau khi nghe tuyên truyền, nhiều hộ dân đã mang rượu đến xã giao nộp và tự hủy trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước đây, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng chức năng đã vào cuộc, nhưng có lúc, có nơi việc tuyên truyền, việc kiểm soát thực phẩm trôi nổi trên địa bàn chưa đạt theo yêu cầu.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, giáp biên giới, địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình đi làm nương, nên các lực lượng gặp nhiều khó khăn. Sau khi xảy ra vụ việc, địa phương đã chủ động vào cuộc, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số người thiệt mạng và số người ảnh hưởng bởi nguồn rượu không rõ nguồn gốc.
Ông Dương Đình Đức nói: “Trước hết, thay mặt cho chính quyền địa phương, chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau mất mát đối với những gia đình có nạn nhân xấu số. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm một phần trong vấn đề quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Trách nhiệm của chúng tôi là phải nhanh chóng vào cuộc, khắc phục hậu quả, với tinh thần kịp thời, chủ động và chu đáo với nhân dân các dân tộc trên địa bàn”.
Trong buổi ra quân tuyên truyền, vận động chiều tối qua (17/2) của chính quyền địa phương, người dân đã ý thức rõ hơn về sự việc ngộ độc rượu, nhiều bản cam kết từ nay không tổ chức uống rượu trong những dịp ma chay đông người.
Trong buổi sáng nay, bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã mang rượu đến nộp và ra các trạm y tế để khám sàng lọc. Số liệu những người bị ảnh hưởng bởi vụ ngộ độc tại bản Tả Chải và các địa phương lân cận do uống rượu không rõ nguồn gốc được mua tại xã Sì Lở Lầu dự kiến sẽ gia tăng.