Tại phiên giải trình về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông, chứ không phải là kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH). Từ năm 2019, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát yêu cầu của THPT, kiến thức chủ yếu và căn bản là nội dung chương trình lớp 12. Trường ĐH có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia làm căn cứ để xét tuyển hay không là quyết định của các trường. Thông tin này khiến cho nhiều trường ĐH băn khoăn.
|
Thí sinh được tư vấn chọn ngành vào trường Đại học Ngoại thương năm 2018. Ảnh: Thủy Trúc |
Trao đổi về câu chuyện tuyển sinh ĐH năm 2019, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, Điều 34, Luật Giáo dục ĐH đã nêu rõ, trường ĐH được quyền sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển sinh. Trong đó có phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm cơ sở xét tuyển ĐH. Bộ GD&ĐT không bắt ép các trường phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Cho nên, nhiều người gọi kỳ thi THPT quốc gia bằng cụm từ “2 trong 1” là hoàn toàn không đúng. “Các trường ĐH đã không sử dụng quyền của mình. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ nên phục vụ cho các trường ĐH tốp giữa và cuối. Những trường tốp trên vẫn nên tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đạt chất lượng như ý muốn” – TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm. Trước thực tế, việc từng trường đứng ra tổ chức thi để lấy kết quả xét tuyển là điều không đơn giản, nhất là khi hiện nay thí sinh có tới “n” nguyện vọng, tỷ lệ ảo rất nhiều, ông Khuyến gợi ý: Với những trường “hot” nên sử dụng kết quả thi THPT quốc gia làm điều kiện sơ loại. Sau đó, nhà trường tổ chức trung tuyển bằng cách cho thí sinh làm bài kiểm tra hay phỏng vấn để loại tiếp đến khi lấy đủ số lượng.
Băn khoăn phương thức tuyển sinh4 năm qua, kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển sinh vào các ngành. Về cơ bản, kỳ thi này đáp ứng được các yêu cầu của thí sinh, trường ĐH và tiết kiệm được chi phí, giảm áp lực, căng thẳng. Theo đánh giá của trường ĐH Kinh tế quốc dân, những học sinh trúng tuyển vào trường có chất lượng không hề thua kém thời kỳ “3 chung”. “Theo đề án tuyển sinh đã công bố, từ năm 2018 – 2020, trường vẫn duy trì phương án tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia là cốt lõi. Cùng với việc xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường tuyển thẳng thí sinh đạt giải trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, những em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.5” – PGS.TS Bùi Quốc Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay.
Cho rằng kỳ thi THPT quốc gia đã tạo thuận lợi cho người học và các trường ĐH, năm 2019 trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn muốn sử dụng kết quả thi cho công tác xét tuyển sinh. PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội mong muốn kỳ thi 2019 được tổ chức công khai, minh bạch, rõ ràng, trung thực, không có sự gian lận. Trong đề thi phải đảm bảo sự phân hóa thì nhà trường mới có thể sử dụng kết quả, tuyển được sinh viên tốt. Còn nếu không, trường sẽ phải xem xét đến phương án khác. Tuy nhiên, để có phương án chính thức cho mùa tuyển sinh 2019, các trường ĐH mong muốn Bộ GD&ĐT tổ chức một hội nghị trao đổi trực tiếp. Còn việc từng trường ĐH tự tổ chức thi như năm 2014 trở về trước thì rất tốn kém và chưa chắc đã tuyển được đủ chỉ tiêu.
Trước những băn khoăn của các trường ĐH, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh trấn an: Kỳ thi THPT quốc gia không phải là kỳ thi chọn học sinh giỏi, càng không phải thi ĐH để ra đề thách đố thí sinh. Nhưng, kỳ thi này vẫn đảm bảo độ tin cậy, phân hóa và đánh giá đúng kết quả học tập để các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng. Theo Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Vì thế, tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo, uy tín, từng trường có thể sử dụng các phương thức khác như kiểm tra năng lực, sơ tuyển… bên cạnh việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.