Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất giảm, cơ hội không chia đều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ sau lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, nhiều NH thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có cơ hội nhận mức lãi suất này.

Vẫn khó tiếp cận vốn

Sau khi khai trương siêu thị mini Thanh Hòa ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai) được 3 tháng, chị Lan - chủ siêu thị muốn mở thêm một cơ sở phân phối hàng nữa. Để có vốn, chị Lan “gõ cửa” một số NH nhưng đều nhận được những cái lắc đầu bởi hồ sơ vay vốn của chị không đáp ứng điều kiện. Chị Lan cho biết, do những tài sản có giá trị đã mang thế chấp khi vay vốn đầu tư cho siêu thị thứ nhất, nay chị muốn thế chấp siêu thị thứ nhất làm tài sản đảm bảo thì phía NH không đồng ý.
Hoạt động nghiệp vụ tại một chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động nghiệp vụ tại một chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Anh Trung - giám đốc một công ty thiết bị máy tính ở Trung Liệt (Đống Đa) cho hay, sau khi nghe thông tin các NH giảm lãi suất, anh hớn hở đến một NH trên phố Lương Đình Của để vay khoảng 500 triệu đồng. Nhân viên ở đây cho biết, NH giảm nhẹ lãi suất khoảng 0,5% nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng tốt, vay vốn để sản xuất, kinh doanh và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NH này.

Chị Quỳnh Anh, phụ trách kế toán Công ty May Hoàng Sơn bày tỏ, việc tiếp cận vốn vay NH đối với các DN nhỏ và vừa khá khó khăn, nhất là các DN mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Chưa kể lãi suất cho vay thường chỉ giảm trong 6 - 12 tháng đầu ở mức 9 - 10%/năm, còn sau đó DN phải trả theo lãi suất thị trường. Rồi còn chuyện thời gian NH thẩm định cho vay khá lâu, kéo dài đến cả tháng… Điều này xảy ra cũng tương tự với các DN nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội khi nhiều DN phản ánh điều kiện vay vốn của các NH khá khắt khe.

“Nhịn miệng” đãi khách VIP

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến 30/4, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với thời điểm 31/12/2015, trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) đạt xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,8%.

Nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng mạnh, trong khi huy động vốn đầu vào không theo kịp, chi phí vốn hiện tại vẫn còn rất cao (lãi suất huy động đã tăng lên trong thời gian vừa qua), nợ xấu còn tiềm ẩn… là nguyên nhân các NH khó mạnh tay giảm lãi suất.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhích nhẹ trong thời gian tới. Song, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn sẽ giảm cho các DN có chất lượng tín dụng tốt do cạnh tranh giữa các NH. Đối với nhóm DN có chất lượng tín dụng chưa tốt, các NH vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức tương đối cao để bù đắp rủi ro tín dụng.

Theo giải thích của tổng giám đốc một NH, khách hàng tốt (khách VIP) ở đây là những DN lớn, có doanh thu ổn định, lượng tiền gửi và tần suất sử dụng dịch vụ lớn. Đây là những đối tượng không chỉ là khách hàng mà còn là đối tác. Với những DN này, cho vay lãi suất 7%, NH vẫn có thể yên tâm bởi đi kèm với đó là dòng tiền qua tài khoản vào ra ổn định, tiền gửi tốt cộng thêm phí thu được từ các dịch vụ khác. Đương nhiên với điều kiện tiên quyết ở đây là khách phải giao dịch phần lớn tại NH này.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu quả thật NH chỉ “phá giá”, dành cho khách hàng tốt thì đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khách VIP cũng đủ hạng. Ngoài những khách VIP mang đến “cơm áo” cho NH, cũng có VIP “rởm” khiến NH xơi trái đắng (một căn nguyên của nợ xấu). Câu chuyện 7 NH cùng tranh nhau một kho lá khô thế chấp tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu được giới chuyên gia vừa nhắc đến như một điển hình. Hay như mới đây là câu chuyện của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một khách hàng lớn của nhiều NH nhưng số nợ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng cũng là bài học rất cần được quan tâm.q
Tránh phát sinh thành cơ chế xin – cho

Các NH cũng nên cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, có thể “hạ giá” vốn nhưng không phải “phá giá”. Thay vì chạy đua hạ lãi suất theo các "ông lớn", NH nào tiết giảm được nhiều chi phí nhờ các cải thiện công nghệ, nguồn khách hàng, dịch vụ… hoặc có nguồn thu khác mới nên hạ lãi suất.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển