Thắc mắc, nghi ngờ, bức xúc… là những ghi nhận chung về những ý kiến đó. Và lần này cũng vậy. Khi Dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng tối đa 20% mỗi năm và Bộ Công Thương được tăng tối đa 40% mỗi năm được đưa ra, đã có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối gay gắt.
Nếu như việc thay đổi thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện được coi là hợp lý giúp cho giá điện sẽ linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào thì mức độ điều chỉnh giá tại dự thảo lần này lại có quá nhiều bất hợp lý. Với điều kiện kinh tế - xã hội, hoạt động của các DN, thu nhập người dân hiện tại và cấu trúc hệ thống, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, thì giá bán điện bình quân của Việt Nam bình quân (kể cả VAT) là 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh, không phải là thấp. Tuy nhiên, việc xây dựng biểu giá bán điện hiện vẫn mang nặng tư duy hành chính, chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán, thiếu cơ sở khoa học, chưa công khai minh bạch về giá thành. Thực tế, 1kWh điện năng hiện phải gánh chịu quá nhiều chi phí bất hợp lý, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. Song việc điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống... Đó còn chưa kể đến việc cần phải có sự xem xét công bằng giữa EVN với các DN khác trước những biến động tỷ giá, yếu tố tiền lương, hiệu quả của việc giảm tổn thất điện năng…
Còn rất, rất nhiều những yếu tố cần phải giải quyết cho bài toán giá điện. Mặc dù vậy, giải pháp mà ngành điện và Bộ liên quan liên tục đưa ra trong thời gian qua như: Thành lập Quỹ Bình ổn giá điện; Đưa các chi phí hiếu hỉ, nghỉ mát… vào giá bán điện đã gây không ít bức xúc trong dư luận. Và trong dự thảo lần này, thẩm quyền để EVN và Bộ Công Thương được phép điều chỉnh giá bán điện được nới rộng thực sự là mức khá cao so với mức biến động giá bình thường hiện nay khi lạm phát đang được điều hành quanh mức 5%.
Thiếu sự minh bạch, thiếu các biện pháp để bên mua điện, các cơ quan kiểm toán độc lập, chuyên gia có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh giá điện nên mỗi lần giá điện rục rịch điều chỉnh thường không nhận được sự đồng thuận của khách hàng, âu cũng là điều dễ hiểu. Và lần này cũng vậy.