Mất cân đối nghiêm trọng
Chia sẻ tại hội thảo "Nhận định các kênh đầu tư 2011" do Sở Giao dịch hàng hóa và Phòng TM & CN Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN đã bày tỏ nhiều lo ngại về thực trạng cung lại vượt cầu trong ngành thép. "Lượng ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được lên đến 7 tỉ USD, trong khi chúng ta chỉ xuất được hơn 1 triệu tấn thép, trị giá 1 tỉ USD. Tính ra trung bình ngành thép nhập siêu 6 tỉ USD/năm" - ông Cường nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, tình trạng địa phương cấp phép sai thẩm quyền trong nhiều dự án thép đã là một trong những nguyên nhân khiến qui hoạch của ngành thép bị phá vỡ ở một số nơi. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Cường cho hay, hiện có 32 dự án không thuộc danh mục qui hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương… Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, nghĩa là đáng lẽ trước khi cấp phép, địa phương cần phải xin ý kiến bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nhưng địa phương cứ làm theo nguyên tắc dự án nào dưới 1.500 tỉ đồng là "automatic" tự quyết định cấp hay không cấp phép… mà không hỏi ý kiến Trung ương. "Chưa kể ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… cứ có tí mỏ quặng là họ làm thép" - ông Cường nói.
Vì "nơi nơi làm thép" nênhiện công suất sản xuất thép xây dựng của Việt Nam đạt mức cao gấp đôi so với nhu cầu. Công suất của toàn ngành vào năm 2010 là 7,8 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ là 4,9 triệu tấn. Năm 2011, dự kiến tổng công suất của ngành thép sẽ là 8,8 triệu tấn.
Chấn chỉnh việc cấp phép
Để khắc phục những tồn tại nêu trên của ngành thép, việc cần làm ngay là chấn chỉnh cấp phép đầu tư các dự án thép ở địa phương. Kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong qui hoạch và không thực hiện các thủ tục qui định đầu tư mà Chính phủ đã ban hành, đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu do đã quá dư thừa trong ít nhất 5 năm tới. Tuy nhiên, cần ưu tiên các dự án đầu tư nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng, thép chế tạo vì hiện tại chúng ta còn phải nhập siêu các loại sản phẩm này.
Nhằm giải quyết tình trạng cung vượt quá cầu, ngành thép đề xuất Chính phủ có biện pháp khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa. Trước đây, chúng ta chỉ có thể xuất thép sang các nước Lào, Myanma… nhưng nay đã có thể đưa vào các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông, EU… Điều này chứng tỏ ngành thép có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu có sự đầu tư đúng hướng cùng những chính sách tạo điều kiện phù hợp với cam kết gia nhập WTO.
Ngoài những vấn đề kể trên, các DN thép cũng đang phải đối mặt với mối lo chung như khó tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất cho vay quá cao 20 - 22%/năm… Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học - kinh tế ứng dụng, các ngân hàng cần điều chỉnh lại cơ cấu cho vay, hướng nhiều hơn tới cho vay sản xuất hàng hóa. Ở nước ngoài đầu tư 1 - 2 đồng tín dụng là tăng được 1 đồng GDP, trong khi ở VN phải mất 6 đồng tín dụng mới tăng được 1 đồng GDP là quá thấp. Làm được điều này thì khả năng quay vòng vốn của ngân hàng sẽ nhanh hơn mà các DN sản xuất thép nói riêng và các DN sản xuất trong nước nói chung cũng sẽ "dễ thở" hơn.