Nhằm khắc phục tình trạng sai phạm của các tài xế cũng như cung cấp cho các cơ quan, DN những người thực sự có trách nhiệm với nghề, mới đây Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh đã thí điểm đưa danh sách các lái, phụ xe tải, xe container… có hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật lao động lên website của Hiệp hội (tại địa chỉ www.vantaihcm.com) để các thành viên tham khảo thông tin trước khi tuyển dụng các tài xế này.
Việc công khai danh tính lái, phụ xe vi phạm góp phần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp. Ảnh: Quỳnh Anh
Ngay ngoài trang chủ của website đã cho đăng danh sách những tài xế, lái phụ xe có hành vi vi phạm như ứng tiền, ứng dầu rồi bỏ đi, ăn cắp hàng, gây tai nạn, tráo lốp rồi bỏ trốn, thu cước khách hàng không nộp về công ty, vi phạm nội quy lao động... Danh sách đăng cụ thể từ họ tên, ngày lái, phụ xe vi phạm, hình thức vi phạm, tên đơn vị, doanh nghiệp bị thiệt hại do hành vi đó…
Theo giải thích của Hiệp hội, hiện nay có nhiều tài xế thiếu ý thức, vướng vào tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, dẫn tới các hành vi trộm cắp dầu, đổi vỏ xe… Những biểu hiện tích cực của những “quái xế” không chỉ gây thiệt hại cho DN mà còn làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, nguy hiểm cho xã hội. Đại diện Hiệp hội cũng cho biết, việc đưa danh sách này lên trang web không vi phạm quyền lao động của tài xế, vì chỉ sau khi có văn bản xử lý vi phạm hoặc quyết định sa thải chính thức, thông tin về người lái xe mới được đưa lên. Mặt khác, đây cũng là cách để hạn chế tình trạng tài xế bị doanh nghiệp này sa thải có thể dễ dàng được DN khác tuyển dụng mà không biết về những lỗi lầm trước đó.
Vừa qua, tại tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng địa phương cũng đã tiến hành thành lập một tổ kiểm tra liên ngành gồm: Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở GTVT để tổ chức kiểm tra việc sử dụng chất ma túy đối với lái xe tải và xe khách trên địa bàn. Sau khi có các kết quả xét nghiệm, nếu đủ cơ sở kết luận về vấn đề sử dụng ma túy, tổ kiểm tra liên ngành sẽ đình chỉ ngay việc điều khiển phương tiện của lái xe để xử lý theo quy định. Tiếp đó, phối hợp với DN xử lý thanh lý hợp đồng và thông báo cho các DN khác trên địa bàn được biết, tránh tình trạng tái ký hợp đồng với lái, phụ xe đó. Ngoài ra, cung cấp thông tin, làm cơ sở để lực lượng công an trong quá trình làm nhiệm vụ có biện pháp xử lý phù hợp với lái xe sử dụng chất ma túy.
Đây rõ ràng là những biện pháp tích cực giúp DN tránh được tình trạng tiền mất tật mang vì "dung nạp" những tài xế có tính tắt mắt, nghiện hút và có hành vi côn đồ. Thậm chí, cần phải "nối mạng" và nhân rộng mô hình này làm cơ sở cho các cơ quan, DN trước khi tiến hành sơ tuyển lái, phụ xe.
Cách làm này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao đạo đức, trách nhiệm của lái, phụ xe. Nếu không muốn mất "cần câu cơm" thì tài xế phải "hành nghề" đúng quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.