Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm bù ngày thứ Bảy để nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có thông báo về việc hoán đổi ngày nghỉ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2011. Năm nay, tỉnh Phú Thọ cũng sẽ lập hồ sơ khoa học “tín ngưỡng thờ Hùng Vương” để trình lên UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể.

KTĐT -  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có thông báo về việc hoán đổi ngày nghỉ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2011. Năm nay, tỉnh Phú Thọ cũng sẽ lập hồ sơ khoa học “tín ngưỡng thờ Hùng Vương” để trình lên UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đi làm ngày thứ Bảy (9/4/2011) để nghỉ ngày thứ Hai (11/4/2011). Như vậy, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, cán bộ, công nhân viên chức sẽ được nghỉ ba ngày từ Chủ nhật (10/4) tới thứ Ba (12/4).

Năm nay, theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ, lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương 2011 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 7 đến 12/4 (tức từ mùng 5 đến 10/3 âm lịch). Các hoạt động lễ hội diễn ra từ TP Việt Trì, trung tâm lễ hội đến các vùng ven khu di tích Đền Hùng với chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái. Riêng các hoạt động văn hoá được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Được biết, năm nay sẽ có 14 tỉnh, thành phố, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam góp giỗ và tham gia các hoạt động lễ hội. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2011, người dân cả nước sẽ được nghỉ 3 ngày nên dự đoán sẽ có khoảng gần 6 triệu người tham dự lễ hội.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải cho hay, kịch bản chuẩn bị cho ngày khai hội Đền Hùng (bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch) tuy có một số điều chỉnh thay đổi nhưng cũng hoành tráng như năm 2010.

Theo thống kê, tính từ mùng một Tết Nguyên đán đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đón trên 2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến dâng hương tại Lễ hội Đền Hùng. Công tác an ninh cũng được bảo đảm an toàn, nạn “chặt chém” khách, găm hàng, đầu cơ trục lợi đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra vụ việc nào. Vấn đề môi trường, cảnh quan của Khu di tích cũng được đảm bảo về mặt mĩ quan và được Bộ Văn hóa đánh giá cao.

Bà Hải cho biết, Giỗ tổ Hùng Vương là nhằm giáo dục truyền thống yên nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng và giữ nước; giáo dục đạo lí truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương; từng bước hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” để đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu DTLS Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành Trung tâm Văn hóa - Lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam.