Chồng mất khi con chưa đầy một tuổi, giờ nó đã lên 5, nhưng thi thoảng chị vẫn như người mất hồn, những khi gặp phải ác mộng, quờ tay sang cạnh rồi lại choàng tỉnh nhìn thực tế. Có những đêm không ngủ được, chị dậy đi tha thẩn trong nhà. Bây giờ chị mới thấm thía câu nói của người xưa “làm dâu không chồng”, dù ít, dù nhiều cũng đúng trong hoàn cảnh của chị bây giờ.
Cuộc sống của chị vốn cũng êm đẹp như bao nhiêu cặp uyên ương khác. Họ yêu nhau từ khi còn sinh viên, rồi đến với nhau khi cả hai đã ổn định công việc, vợ chồng càng hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng ra đời. Nhưng thật bất hạnh, chồng chị không may qua đời bởi một tai nạn giao thông không ai ngờ “say rượu, tự đâm vào trụ bê tông”. Từ tai nạn khủng khiếp ấy, chị trở thành góa bụa khi chưa đến 30 tuổi, đứa con trai chưa tròn tuổi đã mất bố. Cuộc sống hôn nhân không chồng buồn tủi hơn những gì chị đã từng được nghe, được kể, nhất là khi chị còn quá trẻ. Nhưng sau ngày đó, chị vẫn cố gắng làm tròn bổn phận người mẹ, người con dâu hiếu thảo.
Rồi thời gian ít nhiều đã làm nguôi ngoai nỗi đau trong chị, nhịp sống cũng trở lại bình thường, chị đi làm, chăm con và lo cho gia đình nhà chồng. Chị cứ tưởng như thế là bình yên, nếu như không có buổi tối khi mẹ chồng chị - một người đàn bà sắc sảo vốn rất yêu quý con dâu, nhưng đã đổi tính từ ngày mất đi đứa con trai độc nhất, bà gọi chị ra, nói thẳng: “Bây giờ đã mãn tang chồng chị rồi. Tôi có chuyện này cần nói thẳng: Nếu như chị chịu ở vậy nuôi con, thì nhà cửa đây, tài sản đây, vợ chồng tôi sẽ để lại cho; còn nếu muốn đi bước nữa, thì cả thằng bé chị cũng không còn”. Chị nghe mà đắng ngắt trong lòng, không nói được câu nào. Chị nào đã có ý định đi bước nữa, dù cũng không ít người lui tới. Chị vẫn chưa thể quên được anh, chị muốn ở vậy nuôi con để vừa bù đắp tình cảm cho nó, vừa chăm sóc bố mẹ chồng. Chị cũng hiểu vì bà thương con, thương cháu côi cút nên nói vậy, nhưng chị thấy như có kim đâm vào tim vậy. Nước mắt lưng tròng, chị nghẹn lời nói với bà: “Mẹ đừng nghĩ thế, hiện con chỉ còn sống vì cháu thôi”. Nhưng đáp lại là một cái nhìn không mấy tin tưởng, một nụ cười mỉa mai từ phía mẹ chồng chị.
Tưởng như mọi chuyện chỉ có vậy, chị càng cố gắng hơn để gia đình nhà chồng thấy được tâm ý từ chị. Nhưng thật khó, bởi cứ mỗi lần ra ngoài, nghe người khác nói những câu đại loại “con dâu bà càng ngày càng tươi hớn hớn ra, chắc không lâu nữa nó cũng đi lấy chồng thôi. Chỉ khổ thân thằng bé” hay tôi thấy con dâu bà hôm nay cười nói rất vui vẻ với người này, người kia... Về nhà bà lại lôi chị ra riết róng, bóng gió. Rồi người bạn nào tới chơi bà cũng xăm xoi, đi ra đi vào. Lâu dần, không còn ai muốn đến chơi nhà chị nữa. Đến giờ đi làm, cách ăn mặc, trang điểm hay bất cứ biểu cảm gì trên gương mặt, cách nói, cách cười của chị cũng bị mẹ chồng cho là “đang có tình ý với ai”. Cuộc sống gò bó, buồn tủi, chị càng thấy nhớ chồng hơn, trong tim chị lại quặn lên những nỗi đau, sự cô đơn khó gì khỏa lấp. Chị chỉ còn một niềm hạnh phúc duy nhất đó là con trai, chính nó đã làm cho cuộc sống như “tù nhân” của chị ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Chị chỉ mong mẹ chồng hiểu rằng không phải họ là người duy nhất rơi vào bất hạnh này, rằng chị đã rất buồn khổ khi không còn chồng bên cạnh. Và chị rất mong mẹ nhìn thấu tình cảm của chị, sự chân thành chị dành cho gia đình, sự bình yên chị muốn có. Nhưng có lẽ đó chỉ là mơ ước, bởi thái độ của bà với chị ngày càng cay nghiệt.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định phải dành dụm tiền mua một căn hộ nhỏ, một chỗ chỉ để che mưa, che nắng cũng được. Hai mẹ con chị sẽ xin phép ông bà ra ở riêng, hiện ông bà còn khỏe sẽ qua lại chăm nom, khi ông bà yếu sẽ đón về ở cùng. Không phải chị muốn ra ở riêng để có thể dễ kiếm tìm hạnh phúc mới, mặc dù chị biết có làm vậy cũng không ai trách móc gì. Nhưng chị chỉ muốn mình được sống là mình, bình yên, thanh thản, đủ sức để nuôi con khôn lớn. Chị không biết khi đề đạt nguyện vọng ấy, mẹ chồng sẽ phản ứng ra sao, liệu cái chữ bình yên mà chị mong mỏi ấy có là quá khó.
Ảnh minh họa.
|