Bác sĩ ghi đến 5 - 6 chẩn đoán để kê thuốc
Kết quả kiểm toán “cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập” của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, tại nhiều cơ sở y tế còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết... làm tăng gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), làm giảm cơ hội được điều trị của những đối tượng không đủ điều kiện về tài chính. Theo Kiểm toán trưởng KTNN Lê Đình Thăng, để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến T.Ư thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, lại có xu hướng mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường vốn là việc các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện, nên phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, qua quá trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện giám định khám chữa bệnh BHYT nổi lên một số vấn đề như: Một số cơ sở tăng chỉ định về điều trị nội trú để tận dụng giường bệnh trống, gia tăng chỉ định cận lâm sàng, kỹ thuật… Một vấn đề nữa là hiện nay, chúng ta mới chú ý nhiều đến vấn đề kinh tế, chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, hiện nay năng lực quản trị bệnh viện cần phải tiếp tục được tăng cường để kiểm soát tốt nội bộ các vấn đề về chuyên môn cũng như về tài chính; đồng thời cần có một cơ chế giám định từ bên ngoài thiên về chất lượng chuyên môn.Nở rộ liên doanh, liên kết không cần thiếtMột nội dung khác được cơ quan kiểm toán phát hiện là tình trạng liên doanh, liên kết khi thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Hiện nay, các bệnh viện được quyền liên doanh liên kết với đối tác ngoài để đầu tư trang thiết bị và thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo ông, kết quả kiểm toán một số năm gần đây cho thấy tình trạng, tại một số đơn vị chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian thực hiện đề án liên doanh liên kết. Ông cũng chỉ ra việc, giá máy móc nhập về khi đưa vào các bệnh viện đã đội giá đáng kể so với mức giá nhập khai báo tại cơ quan hải quan. Hoặc, một số đơn vị ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn thời gian khấu hao của máy móc thiết bị. "Thời gian đáng lẽ chỉ 7 năm nhưng làm thành 15 năm, chi phí đó dồn vào người bệnh" - ông Thăng nói. Về phía Bộ Y tế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Liên đặt câu hỏi về việc liên doanh để thành lập nên đơn vị sự nghiệp mới hay DN? Nếu liên kết để có đơn vị sự nghiệp mới thì theo ông nhà đầu tư không mặn mà vì "liên kết mà bệnh viện nắm hết". Nếu lập DN thì quản lý thế nào, bên ngoài tham gia vào hội đồng ra sao, hiện chưa có quy định nên vướng.Vì thế, theo các chuyên gia, để đảm bảo cho các đơn vị tự chủ thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong tự chủ đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi. Song song với đó phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, tránh sự lạm dụng cũng như có mức giá phù hợp, đúng quy định. "Đối với đấu thầu, mua sắm trang thiết bị thì vấn đề quyết định là khâu phê duyệt danh mục dự án và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Các khâu này cần làm rõ về thẩm quyền. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần tổ chức kiểm tra các quy trình, quy chế trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế và trong quản lý, sử dụng để đảm bảo hiệu quả, an toàn, chất lượng" - ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đề xuất.
"Đáng lo ngại là khi kiểm tra bệnh viện, xem bệnh án thì thấy bác sĩ ghi đến 5 - 6 chẩn đoán vì nếu không có chẩn đoán thì không được kê thuốc, làm méo mó toàn bộ chuyên môn. Điều này là hết sức nguy hiểm, làm thay đổi hẳn bộ mặt lâm sàng hiện nay." - Th.S Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |