Kinhtedothi - "Du khách đến Hoàng thành Thăng Long (HTTL) thường tỏ ra thất vọng, tiếng là Kinh thành nhưng ở đây toàn nhà tây, hiện vật ít ỏi", đó là nhận xét của GS sử học Lê Văn Lan trong Hội nghị khai thác di sản để phát triển du lịch, kết nối chương trình tham quan Hà Nội - di sản HTTL diễn ra sáng 26/11.
Đến Hoàng thành chỉ để... chụp ảnh
HTTL vẫn được ghi nhận là di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu với những đặc điểm vô cùng độc đáo, bề dày lịch sử 1.300 năm và sự giao thoa các giá trị văn hóa suốt hàng ngàn năm. Di sản từng chứa đựng sự tồn tại kiến trúc lầu son gác tía, cuộc sống cung điện uy nghi của 52 đời vua nước Việt, cùng với nếp sinh hoạt của cung tần mĩ nữ ở khu Hậu Lâu. Thế nhưng, sau 10 năm giới thiệu chính thức và 2 năm mở cửa đón khách, di sản vẫn đìu hiu. Theo đánh giá của GS sử học Lê Văn Lan: "Đối tượng đến Hoàng thành đông chủ yếu là học sinh, sinh viên, đến chủ yếu để chụp ảnh. Tôi đã điều tra, phỏng vấn và nhận được sự thất vọng từ du khách. Họ kỳ vọng được ngắm nghía một Kinh thành với cứ liệu lịch sử ít nhất cũng gần tương đương kinh thành Huế, nhưng ở HTTL toàn nhà tây, hiện vật khô cứng và ít ỏi". Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, dấu tích giá trị lịch sử văn hóa vẫn nằm sâu trong lòng đất.
Gần 10 năm, HTTL chính thức mở cửa đón những lượt khách tham quan đầu tiên. "Nhưng 10 năm qua, công tác phát lộ giới thiệu di sản chưa khác là mấy" - ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, một trong những người đầu tiên có mặt khi di tích mở cửa nhận xét. Ngoài những nhà trưng bày kiến trúc di sản qua từng thời kỳ Đại La, Lê Mạc, Lý, Trần, Nguyễn... thì kế hoạch phục dựng các giá trị tiêu biểu như Điện Kính Thiên hay lễ hội đèn Quảng Chiếu... vẫn nằm trên bàn nghiên cứu. Chính vì vậy, dù HTTL được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010, nhưng lượng khách đến đây chưa xứng với tiềm năng của một khu di sản.
Chờ một cái bắt tay mới
Hội nghị khai thác di sản để phát triển du lịch, kết nối chương trình tham quan Hà Nội - di sản HTTL được tổ chức với mục đích tìm cái bắt tay mới giữa nhà quản lý di sản và các công ty du lịch. Bởi theo ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội: "Các nhà quản lý rất cần sự tư vấn của những đơn vị trực tiếp tiếp cận với du khách. Họ hiểu được du khách cần gì, mong muốn gì". Tại Hội nghị này, các đơn vị đã chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như bàn cách để di sản HTTL hút du khách, không dừng lại ở con số vài chục ngàn lượt như trong 1 - 2 năm vừa qua.
Dưới góc độ đơn vị khai thác du lịch, bà Từ Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Asialand Travel cho rằng, khai thác du lịch ở HTTL không thể đơn thuần là du lịch kinh tế mà là du lịch di sản. Khai thác dưới góc độ du lịch di sản sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn mà còn phát huy giá trị của di tích. "Các điểm di sản cũng cần tổ chức lại, từ hoạt động tham quan, tổ chức dịch vụ hỗ trợ, đến dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho du khách. Nên gắn kết du lịch HTTL và du lịch tham quan nhà Quốc hội" - ông Kế nhấn mạnh.
Hiện nay, Sở VHTT&DL Hà Nội đang có chủ trương kết nối HTTL, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) thành một tour du lịch "đặc sản" của Hà Nội. Tương tác với câu chuyện học hành, đỗ đạt, thành quan và trở về quê hương của kinh thành xa xưa. Ngoài ra, các nhà quản lý di sản cũng sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh của HTTL thông qua các website hoặc các hội nghị chuyên đề di sản trong nước và thế giới.
Vẫn biết, trên thực tế, người làm quản lý văn hóa tại HTTL đang gặp nhiều cái khó ở khâu nhất thể hóa di sản, còn quá nhiều vướng mắc ở khâu bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, không thể vì thế mà bỏ ngỏ cơ hội khai thác du lịch di sản ở HTTL, bởi khai thác tốt du lịch không chỉ quảng bá được hình ảnh dân tộc mà tạo ra mối lợi kinh tế cho Thủ đô và đất nước.
Du khách tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Loan
|