Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dịch sởi diễn biến rất bất thường với gần 10.000 ca mắc, ít nhất 123 ca tử vong. Vậy làm gì để phòng tránh dịch sởi? Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, bệnh sởi lây truyền qua đường nào, và những ai có nguy cơ mắc sởi?
- Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng, nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Những người chưa miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, trẻ dưới 9 tháng tuổi không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc mẹ chưa mắc bệnh sởi, thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây. Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm vaccine sởi. Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm nguy cơ mắc sởi tăng cao.
Vậy người dân cần làm thế nào để phòng bệnh sởi, thưa ông?
- Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất, chủ động nhất để phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.
Ông có thể giải thích vì sao có nhiều trẻ đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc sởi?
- Cũng như các vaccine khác, tiêm vaccine sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại vaccine và tùy thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vaccine và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vaccine. Việc tiêm mũi vaccine sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vaccine sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
Theo ông, vaccine có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?
- Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vaccine có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vaccine trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine sởi, và tiêm có thể gặp những phản ứng gì?
- Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vaccine sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vaccine. Không nên tiêm vaccine sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Không tiêm vaccine sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc AIDS, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.
Vaccine sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vaccine khác như sốt (5 - 15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1 - 2 ngày mà không cần điều trị gì.
Xin cảm ơn ông
Đưa trẻ đi tiêm ngừa là biện pháp tích cực nhất để phòng chống bệnh sởi. Ảnh: Phan Nhân
|