Hiện, tinh thần khởi nghiệp đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên cả nước. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực hiện còn nhiều việc phải làm.
“Bà đỡ” Nhà nướcTrọng tâm của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế mà Nhà nước và Chính phủ đang theo đuổi trong thời gian 5 năm tới là xoay quanh khái niệm “khởi nghiệp”, trong đó mọi nỗ lực cải cách trên nhiều phương diện đều hướng tới mục đích chính là tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này thể hiện rõ ngay trong nội dung chủ đạo của chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”, đó là đặt trọng tâm vào việc tạo thêm khoảng 500.000 DN giai đoạn 2015 - 2020.
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rất rõ giải pháp, trong đó có mở một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược là: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chương trình khởi nghiệp vừa là mục tiêu đột phá, vừa là phương thức, phương tiện thực hiện 3 đột phá chiến lược này.
|
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN là những gì mà Chính phủ mới (được kiện toàn vào tháng 4/2016) luôn nỗ lực hoàn thiện. Trong đó, yêu cầu số một là tạo bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Mọi biệt đãi phải được xóa bỏ. DN Nhà nước phải được cải cách và tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Thứ hai, cải thiện quyền tiếp cận các nguồn lực. Thứ ba, bảo đảm quyền tài sản cho DN, cho người dân, trong đó có nông dân.
Điều quan trọng là Chính phủ đã có bước đầu tiên hoàn thiện thể chế, đó là việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó khẳng định mục tiêu trở thành nước dẫn đầu ASEAN. Chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự... cơ chế và chính sách thông thoáng để các start up được sáng tạo, cũng như nhà đầu tư được tự do tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào các start up nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Nhà nước có vai trò kiến tạo, “bà đỡ” cho hoạt động DN khởi nghiệp, tiến tới quốc gia khởi nghiệp. Vai trò này đặc biệt nổi bật khi công việc bắt đầu, như câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, Nhà nước là người “nhóm lửa” và “thổi lửa”. Đồng thời, khu vực tư nhân là nền tảng, trụ cột để mở ra, nhân rộng, tạo thành “bếp lửa”, “cánh đồng lửa” của sự phát triển khởi nghiệp…
Cho cần câu hay con cá?Vấn đề khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam là gì? DN cần làm gì để khởi nghiệp ý tưởng của mình. Và làm thế nào để thu hút đầu tư cho dự án khởi nghiệp? Sau 2 thế hệ start up với những bước đầu thành công, Việt Nam đang có thế hệ start up thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ start up này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu. Song, cơ hội cũng là thách thức, con đường khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay rất khốc liệt, nhiều rủi ro.
Có một vấn đề đáng chú ý là chỉ số về Tinh thần kinh doanh toàn cầu (với 3 chỉ số con là Thái độ kinh doanh, Năng lực kinh doanh và Say mê kinh doanh) của Việt Nam đang rơi vào dạng rất thấp, thậm chí thấp hơn ngay với nhiều nước trong khu vực như Lào và Campuchia. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của DN. Tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.
Thiếu vốn là một trong những vấn đề khiến cho các DN khởi nghiệp khó khăn khi phát triển dự án. Tuy nhiên, vốn luôn quan trọng nhưng không phải là vấn đề chính. Đối với khởi nghiệp, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng kinh doanh. Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, bản thân các DN cũng cần phải nỗ lực, vượt qua những rào cản ban đầu, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần sáng tạo để có thể thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam đã bước sang một thời kỳ phát triển mới, thị trường quyết định, Nhà nước không phải là người đi làm kinh tế. Việc này là của DN, là người dân, là những thanh niên đầy hoài bão và tài năng. Nhiệm vụ của Nhà nước là hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển. Chính phủ đã phát đi thông điệp rất tích cực về tạo dựng một Chính phủ liêm chính. Đây là cơ sở quan trọng để có cộng đồng doanh nhân liêm chính, các doanh nhân làm thật thay vì dựa vào các mối quan hệ thân hữu…
Rõ ràng, môi trường khích lệ khởi nghiệp ở Việt Nam đang được thúc đẩy. Việc hiện thực hóa tinh thần khởi nghiệp là của mỗi tổ chức, cá nhân làm chủ thể khởi nghiệp. Thực tế, doanh nhân là người hiểu hơn ai hết về thị trường, về xu hướng thế giới, về tác động công nghệ, làn sóng hội nhập… Và gần đây, người ta nói nhiều về vườn ươm, về quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng gần đây, người ta còn nói nhiều hơn nữa về sự kết nối giữa các DN khởi nghiệp với nhau, kết nối với các nhà đầu tư. Các bạn trẻ cần liên kết với nhau, phải làm sao để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá trình khởi nghiệp. Đó là con đường để dẫn tới khởi nghiệp thành công.