Mới đây, Phòng cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội phát hiện vụ làm giả giấy tờ xe ô tô liên quan tới 9 chiếc xe đắt tiền. Các đối tượng đã làm giả nhiều loại giấy tờ như hồ sơ hải quan, mẫu đăng ký các loại xe được đóng dấu của lãnh đạo các Phòng CSGT, dấu của UBND và Sở Tài chính các tỉnh. Thậm chí, cả những biên lai tài chính đã đóng dấu thu tiền và tem đăng kiểm… đều được làm giả tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Hồ sơ, giấy tờ giả của các xe đắt tiền nhập lậu được núp dưới vỏ bọc phương tiện đã được Nhà nước thanh lý hoặc xe mất hồ sơ gốc. Bằng cách này, các xe ô tô nhập lậu đã được đăng ký và bán ra thị trường.
Chiếc xe oto bạc tỉ trong đường dây buôn lậu của Ngô Doãn Phúc đã bị thu giữ
Thượng tá Bùi Văn Minh, Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, bọn tội phạm đã lấy các bản mẫu chữ ký gốc và con dấu của các cơ quan chức năng. Sau đó, tiến hành tẩy xóa một phần hoặc toàn bộ các nội dung rồi làm thêm các loại giấy tờ như thuế trước bạ, hóa đơn bán hàng… đem đến các cơ quan để làm thủ tục đăng ký. "Theo quan điểm của tôi, đối với những xe ô tô nhập lậu chúng ta nên tịch thu và tiêu hủy. Vì nếu tiếp tục để thanh lý những xe này thì vẫn còn những kẽ hở để đối tượng khác lợi dụng trong việc buôn bán các xe ô tô nhập lậu" - thượng tá Bùi Văn Minh nói.
Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội cũng đã bắt tạm giam Ngô Doãn Phúc về tội buôn lậu ôtô. Lợi dụng kẽ hở trong chính sách tạm nhập, tái xuất xe ôtô, lại được một số cán bộ trong cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang giúp đỡ, Phúc đã nhập nhiều xe ôtô đắt tiền từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, đối tượng này mua một số xe cũ nát, hoán đổi để hợp thức cho xe mới đắt tiền vừa được tạm nhập. Vụ việc được phát hiện khi Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra hành chính khu nhà xưởng của Phúc tại km17, Quốc lộ 6, phường Đồng Mai. Tại đây, chiếc xe Land Rover, dù còn mới nhưng hồ sơ lại thể hiện là xe vô chủ được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang thu giữ ngày 23/5/2009 tại huyện Việt Yên. Chiếc xe Hummer loại 7 chỗ được sản xuất năm 2007, còn mới, loại phương tiện tạm nhập, tái xuất ngày 22/5/2009 qua Hải quan cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Nhưng trong tờ khai, "bỗng dưng" biến thành "xe thanh lý" với giá "bèo" từ 31- 33 triệu đồng. Trong khi thực tế, trên thị trường chiếc xe này có giá từ 80.000 - 130.000 USD. Từ đầu mối trên, cơ quan điều tra phát hiện Phúc có sự giúp đỡ của một số đối tượng là công an và quản lý thị trường. Đó là Cao Vũ Cường (28 tuổi), nguyên Trung úy Công an Phòng PC46, Công an Bắc Giang và Nguyễn Xuân Thủy (38 tuổi), nguyên cán bộ Đội Quản lý thị trường số 10, tỉnh Bắc Giang. Thủ đoạn của các đối tượng này là gắn mác, đục lại số khung, số máy của xe ôtô cũ nát cho trùng với xe nhập lậu. Tiếp đó, chúng báo với cơ quan chức năng có một số xe vô chủ bỏ đâu đó. Khi cơ quan chức năng thu hồi xe vô chủ và tổ chức bán đấu giá, bọn chúng sẽ mua lại với đầy đủ hồ sơ thanh lý. Dùng hồ sơ này, bọn chúng đi đăng ký các xe ôtô nhập lậu rồi đem bán thu lời bất chính.
Theo cơ quan điều tra, đây là loại tội phạm hết sức tinh vi và khó phát hiện. Do vậy, để tránh việc lừa đảo, tiếp tay cho tội phạm, người mua ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của phương tiện tại Phòng CSGT các tỉnh. Bởi hiện nay, theo quy định du là ô tô nhập lậu được hợp thức bằng bất kỳ hình thức nào vẫn bị Nhà nước thu hồi. Cơ quan chức năng khuyến cáo, khi mua xe, người mua cần kiểm tra kỹ và so sánh với hồ sơ, giấy tờ để tránh những sai sót mà phần thiệt hại luôn nghiêng về phía người tiêu dùng. Trường hợp biết rõ xe có nguồn gốc nhập lậu nhưng vẫn cố tình mua sử dụng thì không những bị tịch thu xe, chủ sở hữu còn phải đối mặt với việc bị xử lý hình sự.