Chị buồn nhưng cũng không có thời gian mà để ý. Suốt ngày bận rộn với hàng đống công việc, lúc nào đầu óc chị cũng căng thẳng. Về nhà chị chỉ ăn vội bát cơm do người giúp việc nấu rồi lao lên máy tính làm việc tiếp, con luẩn quẩn dưới chân là chị cho ăn đòn ngay. Chồng lên tiếng chị cũng quát. Thằng bé sợ hãi dần dần không dám đến gần mẹ nữa, chị cũng chẳng để tâm.
Chồng chị lại không thể làm ngơ, anh quan sát vẻ mặt của con trai mỗi khi nhìn mẹ. Cái thái độ nửa muốn được mẹ ôm, nửa lại sợ mẹ mắng làm mặt thằng bé thật tội nghiệp. Anh thấy thương con và thương cho cả vợ mình nữa. Công việc, áp lực, chị gặp stress triền miên. Chị không có giờ nào để nghỉ ngơi, thư giãn cho riêng mình. Đi chợ, siêu thị, lúc nào chị cũng mua hàng đống hàng cho chồng, cho con. Nhưng bố con anh đâu có cần những thứ đó.
Một buổi tối, anh lôi chị ra khỏi cái máy tính, nhẹ nhàng: “Em ơi, bớt làm việc đi, đừng làm khổ anh, làm khổ con và cả nhà mình nữa. Mình biết đủ là đủ”. Nghe anh nói, chị như tự giật mình, chị cứ tưởng cố gắng làm việc để mang đến cho cả nhà cuộc sống sung sướng hơn, nhưng nào có phải vậy. Hình như chồng con chị cần cái khác mà lúc nào chị cũng có sẵn, ấy là yêu thương.
Câu chuyện ấy không phải là cá biệt trong cuộc sống hiện nay. Không chỉ những người vợ, người chồng thấy buồn rầu vì hạnh phúc gia đình bị công việc chiếm chỗ. Chính những đứa con trong các gia đình ấy cũng không ít lần cảm thấy tủi thân bởi cảm giác bị bỏ rơi. Nhiều em than phiền, bố mẹ suốt ngày bận rộn với công việc, các mối quan hệ, không biết rằng con mình liên tục phải ăn cơm một mình. Có việc vui buồn gì, bố mẹ cũng không hay biết. Họ thường mang về nhiều tiền, nhưng đâu biết dù có nhiều tiền hơn thế cũng không mua nổi niềm vui và sự khao khát là được ăn một bữa cơm gia đình vui vẻ, đầm ấm, với đầy đủ mọi người. Sự bận rộn của người lớn đã cho những đứa con cảm thấy bơ vơ, làm cho mỗi người như cảm thấy ngôi nhà chỉ còn chỗ trú ngụ, không phải nơi yêu thương nữa.
Đúng như người chồng trong câu chuyện trên đã khuyên vợ, “mình biết đủ là đủ”. Một kỹ năng để nuôi dưỡng hạnh phúc, đặc biệt là giúp con có được sự phát triển và cảm xúc tràn đầy là đừng để cho bản thân bị guồng quay của cuộc sống cuốn đi quá xa, mỗi người chồng, người vợ nên tự biết cân bằng và điều chỉnh mình. Đừng quên mất thứ có sẵn không cần cố gắng làm ra thật nhiều tiền để mua chính là cùng nhau chung tay chia sẻ mọi buồn, vui. Làm cho gia đình ngày càng “giàu có” tình yêu thương không phải quá khó.