Mùa sấy cau ở Châu Sơn tập trung chủ yếu vào tháng 11 và 12 trong năm, đây cũng là thời điểm các xưởng hoạt động hết công suất. Hiện, toàn xã có 20 xưởng sấy cau, trung bình mỗi xưởng có từ 2 - 4 lò sấy, công suất 900 kg/mẻ sấy. Nghề sấy cau không quá vất vả nhưng để được một mẻ cau sấy hoàn chỉnh cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Trái cau sau chọn lọc (non, mọng nước) mang luộc chín từ 1 - 2 giờ đồng hồ, sau đó đưa qua sàng sấy đảo cau liên tục trong 4 ngày đêm. Cau sau khi sấy phải teo lại cỡ bằng ngón tay cái người trưởng thành mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
|
Một công đoạn trong quy trình sấy cau tại xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. |
Theo hạch toán kinh tế của các chủ xưởng, hiện quả cau tươi trên thị trường có giá dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, còn quả cau khô sau sấy giá cao gấp hàng chục lần so với cau tươi. Trừ các khoản chi phí, trung bình 1 mẻ cau sấy cho thu lãi 4 triệu đồng. Như vậy, bình quân 1 xưởng sấy cau (lúc vào mùa) cho mức lợi nhuận trên 50 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các xưởng sấy cau còn tạo việc làm cho 5 - 10 lao động/xưởng, với mức thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cau tươi, thương lái phải thu mua ở rất nhiều nơi. Là người đầu tiên “bén duyên” với nghề sấy cau, ông Nguyễn Văn Thi, ở thôn Hạc Sơn cho hay: “Nghề sấy cau khô xuất khẩu cũng biến động theo giá cả thị trường, nhưng đối với những ai yêu nghề và nhạy bén với thị trường thì cau sấy chưa năm nào phụ lòng người làm nghề”. Chẳng vậy mà sau 20 năm gắn bó với nghề, đến nay gia đình ông Thi có hơn chục lò sấy cau ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Thanh Hóa... Không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng lò sấy và thu mua cau sấy cho các hộ trong xã, ông Thi còn trực tiếp mang sản phẩm sang thị trường Trung Quốc bán. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 5 tỷ đồng.
Theo ông Thi, cau sấy được thương lái Trung Quốc thu mua phục vụ chủ yếu cho chế biến kẹo cau, sau đó xuất khẩu sang các nước có khí hậu lạnh, bởi kẹo cau có tác dụng làm ấm cơ thể. “Năm nay, cau tươi được mùa, giá ổn định, tuy nhiên do thị trường Trung Quốc chưa có tín hiệu thu mua nhiều nên các hộ làm nghề không nên ồ ạt sản xuất để hạn chế rủi ro” – ông Thi chia sẻ.