Là một nông dân đam mê sản xuất nông nghiệp, hàng ngày phải chứng kiến hàng tấn chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề đổ ra môi trường, chị Nhàn đã nung nấu ý định xử lý chất thải. Qua tìm hiểu, chị biết giun quế không chỉ là thức ăn cho vật nuôi mà còn có tác dụng cải tạo, tăng sự màu mỡ cho đất, kích thích cây trồng phát triển. Năm 2012, chị Nhàn bắt tay vào triển khai mô hình nuôi giun quế.
|
Chị Hoàng Thị Nhàn, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, Hoài Đức giới thiệu mô hình nuôi giun quế của gia đình |
Chị Nhàn cho biết, nuôi giun quế chỉ cần đảm bảo 3 yếu tố: Thức ăn, độ ẩm và nhiệt độ. Bên cạnh đó, thức ăn của giun đơn giản chỉ là các loại phế phẩm trong chế biến thực phẩm, phân trâu bò, rơm rạ qua ủ vi sinh... Những sản phẩm này hiện rất sẵn có ở các vùng nông thôn. Hàng ngày, gia đình chị đi gom bã củ dong từ các làng nghề chế biến miến dong, phân trâu bò từ các trang trại chăn nuôi quanh vùng, tập trung thành từng khu để xử lý làm thức ăn cho giun. Từ năm 2017 đến nay, chị đã thu gom gần 10.000m3 bã dong về xử lý làm thức ăn cho giun.
Sau 6 năm phát triển mô hình, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay chị đã làm chủ 4 trang trại giun quy mô lớn, không chỉ làm sạch môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trạng trại nhỏ nhất có diện tích 2.000m2, trang trại lớn nhất có diện tích 42.000m2. Sản phẩm của trang trại cung cấp cho thị trường hiện nay chủ yếu là giun giống và phân giun. Giá bán giun giống là 20.000 đồng/kg và phân giun là 2.500 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, trang trại của chị xuất ra thị trường hơn 1.000 tấn phân giun quế, cung cấp cho các trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, các đại lý, công ty phân phối, đem lại thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/tháng. Từ việc cung cấp số lượng lớn phân hữu cơ cho các trang trại sản xuất rau sạch, mô hình của chị Nhàn đã gián tiếp đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, đồng thời góp phần giảm thiểu rác thải, cải thiện môi trường.