Cách đây khoảng 10 năm, người dân sống tại hai xã Duyên Hà và Đông Mỹ (dọc đê Hữu Hồng) kiếm sống chủ yếu bằng nghề làm nông và buôn bán nhỏ ngoài chợ. Tuy nhiên, thu nhập chỉ đủ sống, không có thêm phần tích lũy. Sau khi được phổ biến về mô hình nuôi vịt ngoài bãi, một số hộ gia đình đã tìm hiểu và quyết định thử nghiệm mô hình sản xuất mới này. Đến nay, nhiều bà con đã gặt hái được thành quả.
Từ những con kênh, đầm chứa nước ban đầu thuê được từ chính sách giao thầu của Nhà nước, gia đình ông Đặng Văn Được đã không quản vất vả ngày đêm đắp bờ, khơi thông dòng chảy, mở rộng và xây dựng các hệ thống phụ trợ phục vụ cho việc chăn nuôi. Lứa đầu tiên chỉ dám đầu tư gần trăm con vịt, nhưng cũng mang lại năng suất khá. Cứ thế, gia đình xin đấu thầu thêm đất ven đê, nâng dần số lượng con giống. Đến nay, gia đình ông đã có gần 10 mẫu đất (khoảng 4.000m2) với số lượng con giống lên tới cả ngàn con mỗi lứa.
Đa phần các hộ trong hai thôn chọn nuôi vịt bơ vì giống vịt này có tỷ lệ nạc lớn, tăng trọng nhanh và khả năng chống chịu bệnh tật rất tốt. Mỗi lứa nuôi kéo dài khoảng 60 ngày có thể chọn bán. Với giá 37.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, thức ăn, chăm sóc, mỗi lứa chọn bán vài trăm con đã cho thu nhập vài chục triệu đồng. Anh Lê Văn Trung (xã Duyên Hà), chủ thu mua vịt cho biết, vịt sau khi thu mua chủ yếu bán cho tiểu thương ở chợ Hà Vĩ, Vạn Phúc… Thi thoảng khi thị trường có nhu cầu có thể xuất đi các tỉnh, thành. Các nhà hàng cũng đặt mua rất nhiều. Thị trường không thiếu, chỉ lo cung không đủ cầu.
Tuy nhiên, nghề nuôi vịt bãi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó biến động về giá cả thị trường và dịch bệnh là hai vấn đề đáng lo ngại nhất. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu đang là một trở ngại lớn đối với nhiều gia đình. Vịt con có giá khoảng 11.000 đồng/con, cộng với các chi phí ban đầu khác thì vốn đầu tư cũng lên đến cả trăm triệu đồng một đàn. Chính vì vậy, dù hiện nuôi vịt bãi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện tăng gia sản xuất.