Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ sản xuất máy chế biến nông sản

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh ra và lớn lên ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), một vùng quê có nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống, nhiều năm qua, anh Nguyễn Chí Dương (SN 1972) luôn tìm tòi, cải tiến các loại máy cơ khí với mong muốn giảm sức lao động và nâng cao giá trị sản xuất cho người dân.

Đa lợi ích từ đổi mới sáng tạo 
Khu xưởng của gia đình anh Dương nằm ven đê sông Đáy không khi nào ngơi tiếng máy. Hôm chúng tôi đến, anh đang tất bật chuẩn bị đi lắp máy cho khách hàng. Anh kể, gia đình có nghề làm miến truyền thống. Tốt nghiệp cấp 3, theo học được hơn một năm tại trường Điện tử tàu biển Viễn Đông thì trường bị giải thể, anh trở về phụ giúp gia đình làm miến. Ngày đó, ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Minh Khai, người dân chủ yếu dùng sức người, máy móc phụ trợ rất thô sơ. Với 6 lao động, mỗi ngày làm hơn 12 tiếng cũng chỉ được khoảng 150kg miến.

Anh Nguyễn Chí Dương bên chiếc máy tráng bánh cuốn tự động.

Thấy người làm nghề vất vả, anh Dương ấp ủ phải cải tiến bằng được chiếc máy làm miến! Sau vài năm miệt mài tìm hiểu, tháo ra lắp vào, cải tiến phụ tùng trang thiết bị, chiếc máy chế biến miến tự động của anh đã được hoàn thành. Với chiếc máy làm miến tự động, chỉ cần 2 người vận hành, mỗi ngày có thể hoàn thành khối lượng miến khoảng 1 tấn. Không chỉ máy làm miến, anh Dương còn mở rộng nghiên cứu, cải tiến các loại máy chế biến thực phẩm khác. Trong đó, ấn tượng hơn cả là máy tráng bánh cuốn, bánh phở tươi và làm đậu phụ. Với máy tráng bánh cuốn, bánh phở tươi, bột được trộn, đưa vào hệ thống, thiết bị sẽ tự động tráng, rắc nhân, gấp bánh. Sản phẩm bánh cuốn, bánh phở mỏng đều, năng suất tăng gấp hàng chục lần so với tránh bánh cuốn thủ công. Bà Nguyễn Thị Huyền (thôn Minh Hòa, xã Minh Khai) cho biết, từ khi sử dụng máy tráng bánh cuốn tự động, không chỉ năng suất tăng mà chất lượng thực phẩm cũng rất cao. Hiện, mỗi ngày với chỉ 2 - 3 người, gia đình bà sản xuất và cung ứng cho hệ thống cửa hàng Vinmart (thuộc Tâp đoàn VinGroup) hơn 100kg bánh cuốn. Tương tự, nếu như trước đây việc làm đậu phụ chủ yếu bằng tay, thì nay với máy làm đậu phụ của anh Dương, tất cả đều được tự động hóa, từ khâu xay bột vỡ đỗ, vắt kiệt nước, đổ vào khuôn nén thành phẩm.
Không ngừng cải tiến sản phẩm 
Đến nay, khu xưởng của gia đình anh Dương sản xuất hàng chục loại máy chế biến nông sản thực phẩm. Không chỉ làm giàu cho bản thân anh, khu xưởng còn đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về khó khăn thuở ban đầu, anh Dương cho hay, do chỉ tự mày mò, chế tạo nên nhiều sản phẩm làm ra bị lỗi. Khi đó, anh lại phải cặm cụi tháo dỡ, tìm hiểu để làm lại từ đầu. Trong quá trình chế tạo, anh luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng để từng bước cải tiến sản phẩm theo hướng tiện dụng và tăng năng suất. Thực tế ban đầu chỉ lấy công làm lãi, chưa nghĩ đến việc sẽ mở rộng sản xuất. Nhưng đến nay, sản phẩm của xưởng được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về tính năng. Dù số lượng vẫn ở mức hạn chế nhưng sản phẩm đã bước đầu đến được với nhiều quốc gia như Lào, Thái Lan, Australia, Mỹ, Angola, Brazil…
Anh Dương nhận định, cơ khí hóa nông nghiệp là xu thế tất yếu và vấn đề vệ sinh ATTP cũng đang nhận được sự quan tâm ngày một lớn hơn của cộng đồng. Do đó, thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu chế tạo các loại máy móc phục vụ chế biến nông sản thực phẩm theo hướng sản xuất sạch và nâng cao hiệu quả. Anh cũng chia sẻ, sẽ xúc tiến việc đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ đối với máy tráng bánh cuốn tự động - một trong những sản phẩm chế tạo mà cá nhân anh tâm đắc nhất và theo nhận định là chưa từng có trên thị trường Việt Nam.