Đưa công nghệ vào sản xuất
Một trong những điển hình ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất là mô hình trồng rau trái vụ trong nhà kính của ông Vũ Văn Sáu ở Cụm 2, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ông Sáu chia sẻ, gia đình ông gắn bó với nghề trồng rau hơn 20 năm nay. Trước đây, ông chỉ canh tác theo phương pháp truyền thống, mùa nào thức nấy trồng các loại rau su hào, bắp cải, xúp lơ,… hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Bởi, khi được mùa thì giá rẻ, còn lúc rau đắt lại thường là khi mất mùa. Ngoài ra còn phải tốn thêm một phần chi phí lớn cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhiều khi còn mất trắng do ảnh hưởng của thiên tai.
Sau nhiều năm trăn trở và kinh nghiệm thực tế rút ra từ chuyến tham quan những mô hình trồng rau công nghệ cao ở Thanh Hóa và Lâm Đồng, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng trên diện tích 1.000m2 để trồng rau trái vụ, áp dụng khoa học công nghệ cao. Quy trình sản xuất hàng năm được ông lên lịch, tính toán sao cho thời điểm thu hoạch vào lúc trái vụ để bán được giá. Từ tháng 11 đến tháng 5, gia đình ông trồng cà chua. Từ tháng 5 đến tháng 7, ông ươm hạt giống rau cung cấp cho bà con quanh vùng. Từ tháng 7 đến tháng 11 ông trồng dưa thanh lê trái vụ. So với ngoài đồng, thì rau trồng trong nhà màng có năng suất cao, sinh trưởng và phát triển tốt, ít chịu tác động của thời tiết và đặc biệt không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Thành công ngoài mong đợi
Ông Sáu chia sẻ, sau hai năm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho thấy, đây là một phương pháp thực sự ưu việt với thu nhập ổn định, tỷ lệ rủi ro gần như không có. So với cách làm truyền thống thì hiệu quả mang lại cao hơn khoảng 20%. Chỉ với 1.000m2 trồng rau trong nhà kính, thu nhập của gia đình ông mỗi năm không dưới 150 triệu đồng. Riêng vụ cà chua vừa qua gia đình ông thu về hơn 80 triệu đồng. “Tôi vừa bán hết một lứa dưa thanh lê, vì là dưa trái vụ nên rất được giá, chỉ 500m2 tôi thu được 35 triệu đồng” – ông Sáu nói. Hiện nay trong vườn nhà ông còn 350m2 cây rau giống đang cho thu hoạch. Theo ông dự kiến thì diện tích cây giống này sẽ mang về cho gia đình khoảng 25 triệu đồng. Do nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân rất cao nên sản phẩm do gia đình ông Sáu sản xuất ra đến đâu được khách đặt mua hết tới đó. Có thể nói, mô hình trồng rau trái vụ trong nhà kính của ông Sáu đã bước đầu tạo nên cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phúc Thọ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp sản phẩm vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao sẽ giúp nông dân làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Ông Sáu bên luống su hào giống đến kỳ xuất bán.
|