Cũng như buổi tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh cấp THCS, đa số người tham gia đều thừa nhận hoạt động này rất hiệu quả và thiết thực, đặc biệt với lứa tuổi mới lớn của học sinh THPT.
Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), đến tháng 6/2015, tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc khoảng 204.400 người, trong đó 19% là người nghiện ma túy tổng hợp. Con số này cho thấy, ma túy thực sự là hiểm họa khôn lường. Điều đáng lo ngại là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường với nhiều hình thức phức tạp. Chính vì thế mà ngành giáo dục đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy thực hiện chuyên đề tuyên truyền về ma túy “Vì một học đường không ma túy” tại 9 trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Chuyên đề này sẽ được đưa cả vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề, trường trung cấp và cao đẳng để học sinh và phụ huynh biết cách phòng chống, ngăn chặn tệ nạn này.
Trao đổi với phóng viên sau buổi tuyên truyền chuyên đề về ma túy sáng 7/12, cô Vũ Thị Hạnh - giáo viên dạy Văn của trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, chuyên đề mang đến nhiều kiến thức về phòng chống ma túy mà ngay cả người lớn cũng còn thiếu hiểu biết: “Cách thức tuyên truyền mới và khác so với trước đây. Bởi diễn giả đến nói chuyện với học sinh, phụ huynh và giáo viên chính là người đã từng nghiện ma túy, nay đã tâm nguyện mang sức lực làm lại cuộc đời, dồn sức chống lại với ma túy. Tôi thực sự xúc động và vô cùng sợ hãi khi được nghe, được nhìn những hình ảnh ghi lại các đối tượng bị ngã từ cột điện, tai nạn ô tô, vào tù… do sử dụng ma túy. Câu chuyện bằng xương, bằng thịt của chính diễn giả đã mang lại nhiều cảm xúc, đánh động đến lương tâm, trái tim của mỗi con người". Không riêng cô Hạnh mà mong muốn chung của rất nhiều phụ huynh và giáo viên là có nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ cách nhận diện của các loại ma túy để học sinh biết cách phòng tránh, nói "không" với ma túy.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, để có thể phòng ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các ngành, các cấp, sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và nhà trường. Việc mà ngành giáo dục tiếp tục chú trọng thời gian tới là tập trung tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh có thể chủ động phòng chống, đẩy lùi tệ nạn ma túy.