Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạm phát có thể còn tiếp tục tăng cao vào cuối quý 3?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, ngoài các nguyên nhân lạm phát cầu kéo, chi phí đẩy thì nước mình vẫn bị lạm phát "tâm lý", chưa hết được.

KTĐT - Hiện nay, ngoài các nguyên nhân lạm phát cầu kéo, chi phí đẩy thì nước mình vẫn bị lạm phát "tâm lý", chưa hết được.

Nhìn vào các nguyên nhân tác động đến giá cả thị trường hiện nay và hiệu ứng trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cho rằng, lạm phát có thể còn tiếp tục tăng cao từ nay đến khoảng tháng 8-9/2011.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Thắng nói:

- Mới đây cũng có ý kiến cho rằng, dù tiền rút về thì lạm phát Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của vàng và USD. Một lượng lớn ngoại tệ và vàng đang giao dịch trên thị trường và đó cũng là phương tiện thanh toán. Rút tiền về, kỳ thực vẫn còn phương tiện thanh toán kia. Người ta nói thế cũng phần nào có lý.

Hiện nay, ngoài các nguyên nhân lạm phát cầu kéo, chi phí đẩy thì nước mình vẫn bị lạm phát "tâm lý", chưa hết được.

Cụ thể về chi phí đẩy, vừa qua Tổng cục Thống kê có công bố một loạt chỉ số giá mới như chỉ số giá bán người sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… Các chỉ tiêu này cho thấy điều gì?

Tất cả các chỉ số này đều cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tính theo quý so với cùng kỳ. Đặc biệt là chỉ số giá bán người sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng tới trên 23%, công nghiệp tăng gần 15% (quý 1/2011 so với cùng kỳ - PV).

Đúng theo quy luật bình thường thì giá sản xuất sẽ tăng trước giá tiêu dùng tăng sau, hoặc xuống thì nó xuống trước. Khi mà giá sản xuất cao hơn giá tiêu dùng, theo kinh nghiệm thì giá tiêu dùng sẽ tăng ở khúc sau, tức là sau đây còn tiếp tục tăng nữa.

Khả năng là trong quý 2 chưa thể dịu ngay được vì Nghị quyết 11 mới đang ở bước triển khai, còn chưa đi vào cuộc sống.

Chỉ số giá cước vận tải quý 1/2011 tăng gần 11,5% so với cùng kỳ, trong khi CPI nhóm giao thông mới tăng tương ứng khoảng 5,7%. Chênh lệch này sẽ tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới?

Với tình hình giá xăng dầu đang lên thế này, trong khi chỉ số giá cước vận tải hiện đã cao hơn so với giá nhóm vận tải tại chỉ số tiêu dùng, cho thấy thời gian tới tác động của nó đến giá tiêu dùng sẽ còn tiếp tục.

Thưa ông, việc công bố các chỉ số mới có phải Tổng cục Thống kê muốn làm rõ các tác động từ chi phí đẩy đến giá thành sản xuất?

Thực ra, các chỉ tiêu này Tổng cục Thống kê cũng đã có tính toán từ năm 1995. Bây giờ, chúng tôi cố gắng đưa dần ra công chúng, qua sử dụng thì sẽ hoàn thiện thêm, tiếp tục nâng cấp.

Ngoài việc tính các tác động từ chi phí đẩy, Tổng cục Thống kê có tính tác động đến lạm phát từ cầu kéo, cụ thể là lạm phát cơ bản?

Thực ra lạm phát cơ bản Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước đã tính rồi, vẫn tính, theo thông lệ quốc tế thôi.

Lạm phát cơ bản thực chất là chỉ tiêu loại trừ các biến động, các cú sốc ngẫu nhiên, đột biến, như Tết người ta tiêu nhiều, thiên tai lũ lụt tăng giá thì loại bỏ đi. Cách tính tương ứng với giá tiêu dùng chúng tôi đang tính, nhưng dùng nhóm nhỏ chi tiết mà chúng tôi không công bố và loại một số nhóm trong đó, bao gồm tất cả những cái sốc ngẫu nhiên, để thấy chính sách tiền tệ có vấn đề gì không.

Ví dụ như lương thực thực phẩm là nhóm có biến động nhiều nhất mà hiện quyền số chiếm gần 40% thì bỏ vài nhóm nhỏ trong đấy thôi, gạo thì bỏ hoặc giảm bớt trọng số đi, hay cúm gà thì bỏ gà đi... Tóm lại, cách làm là như thế.

Mới đây, tổ điều hành thị trường trong nước có đưa dự báo CPI tháng 4 tăng khoảng 1,6-1,8% so với tháng 3. Ông nghĩ sao?

Tôi cũng nghĩ tháng 4 này còn tăng cao, chưa thể xuống ngay được. Hôm họp tổ điều hành thị trường trong nước, giá xăng dầu còn chưa tăng (đợt tăng giá ngày 29/3 - PV), những mới tính giá thực phẩm cũng đã tăng rất cao. Ngoài ra, tăng giá xăng dầu lần trước còn chưa vào hết, còn một "khúc" nữa để dành cho tháng này.

Hiện giá gạo đã bớt lo, nhưng giá thực phẩm lên rất mạnh như thịt lợn, mà dân mình ăn thịt lợn nhiều. Hơn nữa, năm nay, tiếp tục lộ trình giá thị trường các mặt hàng như giá điện, rồi tăng lương để đảm bảo đời sống...

Theo tôi dự báo, CPI quý 2 vẫn còn cao, dù không phải như tháng 2, tháng 3. Nếu tăng 1,4-1,5% cũng là cao rồi, vì thường những tháng ấy chỉ tăng không phẩy mấy phần trăm. Nhất là tăng trên 1% mà lại so với nền cũ đã cao thì rất là cao đấy, chứ không phải không đâu.

Thường thì khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, hiệu lực tác động phải sau 6 tháng. Như vậy, có thể phải từ tháng 8-9/2011, mới bắt đầu giảm được.