Tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm với tốc độ mạnh nhất trong vòng gần 3 năm trở lại đây, hãng tin Bloomberg cho biết. Sự giảm nhiệt này của giá cả được nhận định là sẽ tạo “cửa” rộng hơn cho Bắc Kinh trong việc hỗ trợ tăng trưởng, khi mà thị trường bất động sản của Trung Quốc đang cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, các nhà xuất khẩu của nước này bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, và tình trạng thắt chặt tín dụng làm khó những doanh nghiệp nhỏ. Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 9/11 cho thấy, trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với tháng 9, chỉ số này giảm 0,6 điểm phần trăm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2009. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo của giới phân tích và là mức tăng thấp nhất trong vòng 1 năm. Nhiều nhà kinh tế dự báo, tốc độ lạm phát đi xuống sẽ thúc đẩy Chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo nới lỏng chính sách tài khóa hoặc tiền tệ nhưng không cắt giảm lãi suất, vì mức lạm phát vẫn ở trên ngưỡng mục tiêu cả năm 4%. Theo nhận định của ngân hàng HSBC, việc nới lỏng được kỳ vọng có thể bao gồm các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đẩy mạnh các dự án về cơ sở hạ tầng và nhà ở công cộng. “Sự kết hợp giữa áp lực lạm phát suy giảm, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng và khả năng suy giảm của thị trường địa ốc Trung Quốc đã mở ra khả năng nới lỏng chính sách trong thời gian trước mắt”, ông Liu Li-Gang, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ANZ tại Hồng Kông, nhận xét. Theo ông Liu, đây là thời điểm thích hợp Ngân hàng Trung Quốc (PBoC) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ở các ngân hàng nhỏ, để giải tỏa tình trạng thắt chặt tín dụng đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này hiện nay. Một số chuyên gia nhận định, tốc độ tăng giá ở Trung Quốc có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, phản ánh những rào cản đối với tiến trình phục hồi toàn cầu từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ và nguy cơ suy thoái ở châu Âu. PBoC đã tăng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ 5 lần liên tiếp từ tháng 10/2010 đế tháng 7/2011. Cùng với đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được điều chỉnh tăng 9 lần lên mức kỷ lục 21,5% đối với những ngân hàng thương mại lớn nhất nước này nhằm kiểm soát tình trạng bùng nổ tín dụng vốn được xem là một nguyên nhân đẩy giá tiêu dùng và giá nhà đất leo thang chóng mặt. Sau chiến dịch kéo dài 2 năm của Chính phủ Trung Quốc đánh vào giới đầu cơ nhà đất, giá bất động sản ở nước này đã bắt đầu đi xuống. Hãng địa ốc lớn thứ nhì Trung Quốc về giá trị vốn hóa thị trường là Poly Real Estate hôm 7/11 cho biết, doanh số nhà bán trên hợp đồng của hãng này trong tháng 10 đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia thuộc Barclays Capital dự báo, giá nhà ở Trung Quốc sẽ giảm 10-30% trong năm tới. “Chắc chắn, thị trường nhà đất Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ khó khăn”, nhà phân tích Huang Yiping của Barlays Capital tại Hồng Kông nhận định.