Lạm phát tăng cao nhất gần 13 năm, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, nguyên nhân do lạm phát ở mức cao nhất gần 13 năm qua.

Chỉ số Dow Jones đánh mất mức cao nhất khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7. Báo cáo lạm phát tăng cao hơn dự kiến đã làm lu mờ kết quả tích cực trong mùa báo cáo lợi nhuận quý II.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên 13/7.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 107,39 điểm, tương đương 0,31%, xuống còn 34.888,79 điểm, sát mốc kỷ lục 35.000 điểm trong phiên trước đó. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ 0,35%, về mức 4.369,21 điểm sau khi lập mức cao kỷ lục ở đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite giảm nhẹ từ mức cao kỷ lục trong ngày khi hạ 0,38% còn 14.677,65 điểm.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm gần 1,9%, chứng kiến phiên có thành quả kém nhất kể từ ngày 18/6.
Các chỉ số trên sàn Phố Wall đảo chiều đi xuống khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 4 điểm cơ bản (tương đương 0,04%) và vượt mức 1,4% sau khi số liệu mới nhất về lạm phát được công bố.
Bộ Lao động Mỹ ngày 13/7 cho biết, lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm. Theo báo của bộ này, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo tăng 5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) nhảy vọt 4,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/1991 và cao hơn nhiều so với dự báo 3,8%.
Ông Cliff Hodge - Giám đốc đầu tư tại Cornerstone Wealth, nhận xét: “Chỉ số CPI tháng 6 khá nóng khiến thị trường gia tăng lo ngại. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ bắt đầu hạ nhiệt trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Hodge, tháng 6/2020 là thời điểm CPI lõi xuống thấp kỷ lục do các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19, nên mức so sánh từ tháng tới sẽ cao hơn. "Giá xe ô tô cũ trong tháng 6 nhảy vọt tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này khó có thể duy trì trong vài tháng tới".
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khu vực San Francisco, Mary Daly, nói với CNBC hôm 13/7 rằng bà tin mức lạm phát gần đây sẽ chỉ là tạm thời. Theo bà Daly, đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến FED thu hẹp chương trình mua tài sản vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Những nhận định của bà Daly và dữ liệu lạm phát mới nhất được đưa ra sau khi các ngân hàng lớn và PepsiCo báo cáo kết quả lợi nhuận quý II tăng vượt dự báo. Tuy nhiên, với việc cổ phiếu đang ở các mức cao kỷ lục và Dow Jones tiến sát mốc 35.000 điểm, kỳ vọng có thể cao hơn so với các ước tính chính thức.
Cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 1,5% sau khi công bố lợi nhuận quý II đạt 11,9 tỉ USD, tương đương 3,78 USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo 3,21 USD từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv.
Cổ phiếu Goldman Sachs cũng mất 1,2% sau khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận quý II đạt 15,02 USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo 10,24 USD của các nhà phân tích.
Dự kiến, 3 “ông lớn” ngân hàng khác là Bank of America, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố vào ngày thứ Tư.
Tâm điểm chú ý tiếp theo của giới đầu tư trong tuần này là phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch FED Jerome Powell vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Được chờ đợi nhiều nhất là những đánh giá của Chủ tịch FED về sức ép giá cả và định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần