Bộ Thương mại Mỹ ngày 13/10 cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng vọt 1,6% trong tháng 9 sau khi giảm 0,1% trong tháng 8 do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các cơn bão Harvey và Irma.
Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất trong 2,5 năm do hoạt động tái thiết sau bão đã thúc đẩy nhu cầu về hàng hoá. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế là doanh số bán lẻ sẽ tăng 1,7% trong tháng 9.
Doanh số bán lẻ trong tháng 9 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ lõi (không bao gồm ôtô, xăng, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống) tăng 0,4% trong tháng 9 sau khi không tăng trong tháng 8.
Sự phục hồi của doanh số bán lẻ lõi cho thấy, tác động của các cơn bão đến nền kinh tế là không lớn. Các nhà kinh tế ước tính các cơn bão có thể giảm ít nhất 0,6 điểm phần trăm từ tăng trưởng GDP quý III.
Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cho biết trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% sau khi tăng 0,4% hồi tháng 8. Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1, qua đó đẩy mức tăng CPI hàng năm lên 2,2% trong tháng 9 từ mức 1,9% của tháng 8.
Sự gia tăng của chỉ số trong tháng 9 là lớn nhất trong 8 tháng, nhưng chủ yếu là từ giá xăng sau khi cơn bão làm gián đoạn sản xuất tại khu vực lọc dầu ở Bờ Vinh. Điều này cho thấy lạm phát vẫn không có sự thay đổi, và có thể khiến các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo lắng.
Tuy nhiên, các con số này cũng thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters là CPI tăng 0,6% trong tháng 9 và tăng 2,3% so với năm trước.
Đáng chú ý lạm phát cơ bản vẫn rất yếu. Cụ thể, CPI lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm tươi sống) chỉ tăng 0,1% trong tháng 9, thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng 8. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tăng 1,7%. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp CPI lõi hàng năm duy trì mức tăng 1,7%.
Việc doanh số bán lẻ và CPI kém khả quan hơn dự kiến, đặc biệt lạm phát cơ bản vẫn yếu có thể khiến các nhà lãnh đạo FED thêm lo ngại, đặc biệt là những người có quan điểm lạm phát yếu không phải là do các yếu tố tạm thời.
Điều này sẽ khiến FED cân nhắc việc tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 12 tới.
Thước đo lạm phát ưa thích của FED, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã luôn thấp hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ trong hơn 5 năm qua.
Mặc dù Chủ tịch FED Janet Yellen và nhiều quan chức cho rằng những yếu tố tạm thời như cắt giảm giá một lần bởi các công ty điện thoại di động đang níu giữ lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, một số quan chức khác của ngân hàng trung ương lại không đồng ý như vậy.
Biên bản cuộc họp tháng 9 của FED vừa được công bố hôm 11/10 cho thấy “nhiều người bày tỏ sự quan tâm rằng các số liệu lạm phát thấp trong năm nay có thể phản ánh không chỉ các yếu tố tạm thời mà có thể chứng minh dai dẳng hơn”.
FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, và gợi ý sẽ có đợt tăng lãi suất lần thứ 3. Theo CME Group, các thị trường tài chính đang đặt cược 83% vào khả năng lãi suất tăng trong tháng 12.