Đây là nhận định được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức ngày 13/1.
Lo ngại lạm phát và giá dầu giảm
Theo phân tích của PGS.TS Tô Trung Thành (ĐH Kinh tế Quốc dân), lạm phát năm 2016 có thể tăng do tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng, lương và nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng nằm trong lộ trình tăng giá, trong khi giá dầu thế giới cũng không thể giảm quá sâu. Về lãi suất, ông Thành nhận định sẽ khó giảm do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lãi suất, tỷ giá điều chỉnh, quy mô vay nợ nội địa vẫn tăng, đồng thời vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết triệt để.
Do đó, ông Thành khuyến nghị, trong năm 2016 nền kinh tế cần quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế ở những điểm nghẽn then chốt và đổi mới thể chế, tư duy; đổi mới chính sách thu hút FDI. “Hiện khu vực FDI vẫn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng nền kinh tế, sự tham gia của khu vực tư nhân còn yếu. Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào FDI như hiện nay sẽ gặp nhiều vấn đề. Cần đổi mới chính sách thu hút FDI, hướng họ vào khu vực có công nghệ cao hơn” – ông Thành kiến nghị.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ khu vực tư nhân để vươn lên vị trí cao hơn trong mạng sản xuất Đông Á và toàn cầu; đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, khung khổ chính sách tiền tệ cần được cải thiện; kiểm soát chặt chẽ thâm hụt ngân sách và nợ công; giám sát hiệu quả an ninh tài chính tiền tệ trong bối cảnh hội nhập.
Chia sẻ thêm về những tác động của giá dầu đối với nền kinh tế trong nước trong năm 2016, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhìn nhận, nếu giá dầu thế giới năm 2016 đi theo kịch bản 40 – 50 USD/thùng thì Việt Nam được lợi. Vì theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nếu giá dầu xuất khẩu là 45 USD/thùng, trong khi chi phí sản xuất, khai thác dầu của Việt Nam là 27,5 USD thì chúng ta vẫn có lãi.
Tuy nhiên, kịch bản giá dầu tháng 1/2016 chỉ có thể ở mức 20 – 30 USD/thùng do nguồn cung thế giới tăng, đồng USD tăng giá khiến giá dầu giảm mạnh. Các chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley đã chỉ ra, nếu USD tăng giá 1% thì giá dầu giảm khoảng 1 USD. Nếu USD tăng 7 - 10%, giá dầu mất 7 - 10 USD. “Như vậy nhiều khả năng, giá dầu chỉ còn 20-25 USD/thùng” – ông Lực nhận định. Tuy nhiên về cơ bản, Việt Nam nhập siêu xăng dầu không nhiều, do vậy giá xăng dầu giảm tuy có làm ảnh hưởng tới ngân sách song nhìn chung không phải là vấn đề quá quan ngại.
Triển vọng năm 2016
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký vào 4/2/2016 tại New Zealand, đoàn đàm phán Chính phủ đang chuẩn bị các tài liệu để ký kết.
TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Việt Nam được lợi nhiều khi tham gia TPP, cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã tính toán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể thêm khoảng 10% của những gì đang có”. Ngoài ra, Việt Nam cùng với Campuchia sẽ là các nước hưởng lợi nhiều nhất sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 3,5% nhờ AEC và có thể tăng thêm 10% sau khi Việt Nam gia nhập TPP.
Theo ông Lực, các ngành có thể hưởng lợi từ TPP là dệt may, thủy sản, cơ sở hạ tầng và logistic, bất động sản, sản phẩm thép và gỗ, dược phẩm, đầu tư công; các ngành gặp khó khăn là ô tô, thịt lợn, thịt bò, đường; các ngành bị tác động mạnh là hóa phẩm tiêu dùng, thực phẩm chế biến, rượu.
Ngoài những cơ hội từ TPP, AEC và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì năm 2016, khi dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ bỏ các nước ở khu vực nền kinh tế mới nổi thì Việt Nam được xem là một lựa chọn đầu tư sáng giá.
Kinh tế Việt Nam năm 2016 được nhận định sẽ có nhiều khởi sắc. Ảnh: Thanh Hải - Phạm Hùng
|