Ngày 2/12, ngày thứ 3, TAND Tối cao mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm phạm tội “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vợ bị cáo Kiên mơ hồ về một số văn bản HĐXX tiếp tục tiến hành làm rõ hành vi "kinh doanh trái phép", cụ thể là việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu 5/6 công ty mà bị cáo Kiên là người đại diện. Bị cáo Kiên nói: "Tôi đại diện 5/6 công ty và là người đứng đầu HĐQT. Mọi việc đều thông qua HĐQT, tôi là người đứng đầu nên chịu trách nhiệm cao nhất và không muốn ai đó phải chịu trách nhiệm thay tôi". Bị cáo Kiên khẳng định, cả 5 công ty này đều thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, không vi phạm Luật Doanh nghiệp. Về vấn đề kinh doanh vàng, bị cáo Kiên cho biết, trong giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam không ghi "mua bán vàng" nhưng có đăng ký ngành nghề là "kinh doanh hàng hóa". Và vàng chính là hàng hóa theo quy định của pháp luật. Do đó, Công ty Thiên Nam đương nhiên được kinh doanh vàng. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có nắm được nội dung các bản hợp đồng đã ký giữa Công ty B&B và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bị cáo Kiên) ủy thác giao dịch vàng trạng thái hay không, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên) nói: "Tôi đủ nhận thức là khi ký phải đọc và phải hiểu. Trong trường hợp này, tôi tin tưởng anh Kiên, chồng mang về ký thì chẳng hỏi để làm gì, chắc là anh ấy sẽ không đưa tôi ký những cái sai". Đã có nhiều văn bản có chữ ký của bà Lan được đưa ra tại phiên tòa, tuy nhiên khi HĐXX hỏi, bà Lan tỏ ra rất mơ hồ về các văn bản này vì cho rằng, thời gian đó mình ở nhà nuôi con nhỏ nên không để ý đến nội dung các văn bản này. Thậm chí, có những văn bản, khi cơ quan điều tra đưa ra thì bà Lan mới nhớ là đã từng ký. Hòa Phát đã nhận lại 264 tỷ đồng HĐXX cho bị cáo Kiên trình bày về tội trốn thuế. Theo đó, vào ngày 25/12/2008, bị cáo đã đồng ý cho em gái ký hợp đồng với Công ty B&B kinh doanh vàng để “học kinh doanh vàng”. Lý do, trước khi em gái bị cáo ký hợp đồng, Việt Nam đã có hoạt động này từ năm 2005, lúc đó, bị cáo là Phó Chủ tịch ACB. Bị cáo là người soạn thảo hợp đồng và ủy quyền cho vợ, thay mặt Công ty B&B ký với bà Hương. Sau đó, ủy thác cho bên thứ 3 là ACB khi đã ký xong hợp đồng và phụ lục. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, bên nhận ủy thác phải là thương nhân và có chức năng kinh doanh. Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân. Vì thế, bà Hương không cần phải đăng ký là hộ kinh doanh cá thể. Cũng theo trình bày của bị cáo Kiên, trong hợp đồng nêu rõ, đối tượng là vàng SJC 9999, giao dịch tại Việt Nam và quốc tế. ACB xuất khẩu nhiều loại vàng này ra quốc tế. Mặt hàng mà bà Hương và Công ty B&B ký nằm trong diện hàng hóa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Công ty B&B không ủy quyền cho ACB mở tài khoản nước ngoài, không kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, không có số dư và không có bất kỳ lệnh mua bán nào. Tại phiên tòa, bị cáo Kiên liên tục khẳng định, Công ty B&B không trốn thuế. HĐXX đã hỏi bị cáo Kiên về việc khi bị cáo soạn thảo hợp đồng ủy thác có bàn gì với bà Lan và bà Hương không? Việc ký hợp đồng giữa Công ty B&B và bà Thúy Hương, bị cáo có bàn với vợ? Và vai trò của bà Hương trong hợp đồng này là gì? Trả lời HĐXX, bị cáo Kiên cho biết, bị cáo có nói với em gái, còn với vợ thì không. Việc ký kết hợp đồng vợ bị cáo không liên quan vì chỉ ký theo ủy quyền. “Còn với Hương, tôi nói là cho phép đầu tư qua Công ty B&B. Vai trò quan trọng nhất là chủ thể hoạt động đầu tư này, lời - lỗ Hương phải chịu” - bị cáo Kiên nói. Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Kiên và hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội) đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của Công ty CP TNHH MTV Thép Hòa Phát (Công ty Hòa Phát). Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông Kiều Chí Công - Giám đốc Công ty Hòa Phát cho biết: "Đã nhận lại 264 tỷ đồng. Chúng tôi không có thiệt hại gì". HĐXX hỏi: Số tiền 264 tỷ đồng này do ai chuyển lại cho Hòa Phát? Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết: Do cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ngày 12/6/2013. Số tiền này nhận từ tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra. HĐXX cho rằng: Hậu quả của vụ án đến thời điểm này đã được khắc phục với Hòa Phát nhưng không có nghĩa bị cáo Kiên không có tội. Đại diện VKS hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng của ACBI): Biên bản họp HĐQT ngày 15/5/2012 về việc các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20.000.000 cổ phiếu của Hòa Phát, cuộc họp này có thật không? Bị cáo Yến cho biết, không được chứng kiến mà soạn biên bản theo chỉ đạo của bị cáo Kiên. Văn bản này theo "form" sẵn của Công ty, chỉ thay đổi nội dung số lượng cổ phiếu, giá cả. Ngày hôm nay, 3/12, Tòa tiếp tục làm việc.