Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ nguyên nhân hằn, lún để khắc phục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng hằn, lún đường đã xảy ra tại nhiều tuyến, từ QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, QL1, QL5… đến mặt cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì…

Để tìm nguyên nhân gây hằn, lún đường, chiều 24/6, Bộ GTVT đã có cuộc họp với các ban, ngành liên quan. Tại cuộc họp, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như chất lượng cốt liệu, thi công, chất lượng nhựa đường và thậm chí là biến đổi khí hậu.

Nhiều yếu tố gây hằn, lún đường

Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) Hoàng Hà cho biết, hằn, lún xuất hiện nhiều và nghiêm trọng ở những vị trí cục bộ như điểm giao cắt, đỉnh dốc… Phân tích nguyên nhân, ông Hà cho rằng, do đơn vị thi công chưa kiểm soát được cốt liệu đầu vào. Trong khi đó, giải pháp thiết kế lại không linh hoạt giữa các vị trí đường, điều kiện vùng miền, thời tiết khí hậu. Bởi hiện chúng ta đang dùng một loại kết cấu áo đường áp dụng cho tất cả các loại đường, trên các vùng miền, điều kiện địa chất. Ngoài ra, tình trạng xe quá tải hoạt động cũng là tác nhân gây hằn lún mặt đường. Thống kê tại QL1, đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, tỷ lệ xe quá tải lên tới 23%, trong đó, phần lớn là xe quá tải đến gần 3 lần tải trọng cho phép. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh bổ sung, còn có yếu tố thi công. "Vài năm trở lại đây có sự nở rộ của các đơn vị thi công bê tông nhựa nhưng không hoặc có rất ít kinh nghiệm. Bởi vậy, không khắc phục được những nhược điểm trong khi thi công" - ông Trần Xuân Sanh nói.
Làm rõ nguyên nhân hằn, lún để khắc phục - Ảnh 1
QL18  đoạn Uông Bí- Hạ Long đã có biểu hiện xuống cấp, lún, nứt ở nhiều điểm trên đoạn hướng Hạ Long - Hà Nội. Ảnh Báo Quảng Ninh
Ngoài các nguyên nhân trên thì các chuyên gia cho rằng, do yếu tố biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng làm giảm chất lượng nhựa đường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, yếu tố con người là chủ chốt. "Xây dựng quy trình, quy phạm thi công cũng là con người, thiết kế cũng con người, thi công và giám sát cũng do con người. Nguyên nhân sâu xa vẫn là yếu tố con người"- ông Nguyễn Văn Thể nói. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng khâu tư vấn thiết kế cũng như tư vấn giám sát giao thông hiện quá yếu kém. Tư vấn giám sát đa số mới thành lập, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Thực tế, nếu nhà thầu thi công có trách nhiệm, chọn tư vấn giám sát tốt thì có cốt liệu đầu vào đạt chất lượng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thầu hiện đều khoán trắng cho tư vấn giám sát dẫn đến thực trạng, trên một đoạn đường ngắn mà có đến 5 - 6 thiết kế cấp phối khác nhau, không kiểm soát được chất lượng lu lèn đường.

Cuối năm phải có giải pháp khắc phục

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt vấn đề: "Tất cả các đơn vị đều báo cáo, công nghệ áp dụng đúng, đang làm đúng theo tiêu chuẩn thế giới. Nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ, nhiều chuyên gia đầu ngành đã vào cuộc, nhiều thử nghiệm đã tiến hành nhưng đường thì vẫn lún". Vấn đề hằn, lún mặt đường xuất hiện tại nhiều tuyến đường khiến các đơn vị thi công có kinh nghiệm, có bề dày cũng đang mất tự tin. Thực tế, kiểm tra cho thấy, hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân cũng như chưa có một giải pháp hiệu quả để khắc phục triệt để vấn đề hằn, lún đường.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, vấn đề mấu chốt vẫn là con người, vì vậy, phải kiểm tra chất lượng chuyên môn, đạo đức của tư vấn giám sát. Tránh tình trạng không làm mà chỉ tìm cách móc nối với nhà thầu đòi chia chác. Do đó, Bộ GTVT sẽ lần lượt làm việc với tất cả các Ban QLDA, để siết quy trình chất lượng. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị, từ nay đến cuối năm phải tìm ra được nguyên nhân gây hằn, lún, trượt mặt đường cũng như đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, phải xử lý dứt điểm xe quá tải.

 
Tất cả những dự án, công trình giao thông gần hết hạn bảo hành, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông phải kiểm tra, đánh giá chất lượng. Nếu phát hiện chất lượng không bảo đảm phải yêu cầu nhà thầu tự bỏ kinh phí ra xử lý, tránh tình trạng, đường vừa hết hạn bảo hành đã hư hỏng, xuống cấp.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng