Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ thủ đoạn của đường dây làm giả giấy khám sức khỏe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng làm giả giấy khám sức khỏe đã được lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện trong thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Vũ Văn Đề (SN 1991, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Đề được xem là đối tượng chủ mưu trong vụ án.

 
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Tham gia trong đường dây này cùng với Đề còn có các đối tượng Dương Văn Mạnh (SN 1991, Phú Bình, Thái Nguyên), Đặng Thị Tuyết (SN 1995, Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội), Nguyễn Thị Thương (SN 1995, Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) và Đinh Quang Tùng (SN 1991, Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên).

Theo cáo trạng, đầu năm 2015, do thấy nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao nên Đề đã nghĩ ra cách làm giả Giấy khám sức khỏe bằng thủ đoạn photocopy Giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Giao thông Vận tải T.Ư sau đó làm giả con dấu có khắc tên bác sỹ, con dấu của bệnh viện rồi rao bán trên mạng xã hội facebook. Nếu khách hàng có nhu cầu đặt mua Giấy khám sức khỏe thì sẽ liên hệ để giao dịch trực tiếp qua số điện thoại di động được Đề đăng kèm trên facebook. Với thủ đoạn nêu trên, Đề đã bán trót lọt hàng trăm Giấy khám sức khỏe giả và thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng. Trung bình, với mỗi Giấy khám sức khỏe giả, Đề thu của khách khoảng 40.000 đồng.

Thấy việc làm ăn của bạn mình khá dễ dàng nên Dương Văn Mạnh – sinh viên của một học viện có tiếng trên địa bàn Thủ đô đã “quyết định” tham gia vào đường dây này. Sau khi gia nhập, Mạnh đã mua lại số giấy tờ giả do Đề sản xuất rồi lập trang facebook có tên “Giấy khám sức khỏe” để đăng số điện thoại cá nhân lên trang này với mục đích rao bán Giấy khám sức khỏe giả với giá 50.000 đồng/tờ. Còn nếu phải chuyển cho khách có nhu cầu thì sẽ được hưởng tiền chênh lệch từ 10 ngàn đồng đến vài chục nghìn đồng. Thậm chí, Mạnh còn tự nghĩ cách làm giả các loại giấy tờ như: Giấy ra viện, Giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện Giao thông Vận tải để rao bán. Với thủ đoạn này, chỉ trong một thời gian ngắn, ngoài số lượng 200 tờ Giấy khám sức khỏe mua lại từ Đề, Mạnh đã tự sản xuất và tiêu thụ trót lọt hàng trăm giấy tờ giả liên quan với số tiền thu lợi bất chính là hơn 20 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong số những khách hàng thường xuyên mua giấy tờ giả từ Mạnh còn có Đặng Thị Tuyết cũng bị cuốn vào việc kinh doanh phạm pháp này. Với thủ đoạn tương tự, Tuyết cũng lập facebook rồi đăng số điện thoại của mình lên đó để rao bán các loại giấy tờ về sức khỏe với giá từ 50 – 200.000 đồng/giấy. Khi có khách cần mua, Tuyết sẽ liên lạc với Mạnh để lấy “hàng”. Ngoài ra, để “mở rộng kinh doanh” - Tuyết còn thuê Đinh Quang Tùng để làm người đi giao “hàng” cho khách.

Tương tự như Tuyết, Nguyễn Thị Thương và Tùng sau đó cũng đã nhận làm “đại lý cấp dưới” để rao bán các giấy tờ giả này để ăn chênh lệch. Tuy nhiên, vào ngày 21/4/2015, giữa lúc các đối tượng đang nhận 3 Giấy ra viện giả từ tay một người làm xe ôm do Mạnh thuê cầm đến khu vực phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) thì bị lực lượng Công an TP Hà Nội bắt quả tang.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Đề 36 tháng tù, bị cáo Dương Văn Mạnh 42 tháng tù, bị cáo Đặng Thị Tuyết 18 tháng tù và bị cáo Nguyễn Thị Thương 15 tháng tù. Riêng bị cáo Đinh Quang Tùng bị tuyên phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.