Nông dân bất an
Với gần 5 sào chuyên canh rau màu, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Phương Quang, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức thường xuyên phải mua một lượng VTNN tương đối lớn. Bà Thảo cho biết, bà thường mua phân bón, thuốc BVTV ở đại lý trong làng vì vừa gần lại vận chuyển về nhà khá thuận lợi. “Bây giờ có quá nhiều loại phân bón nên chúng tôi không thể nhớ hết được, đại lý bán cho loại nào thì biết loại đó” – bà Thảo chia sẻ.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc |
Không chỉ phân bón, thuốc BVTV cũng đang là mối lo của nhiều nông dân. Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 36 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tiến hành thanh kiểm tra 173 lượt cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, qua đó phát hiện 36 cơ sở vi phạm, chủ yếu là kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng, chưa xuất trình được giấy tờ liên quan… Tương tự, tại huyện Quốc Oai, cuối tháng 9/2016, Đoàn giám sát của HĐND TP đã đi kiểm tra thực tế một cơ sở buôn bán thuốc BVTV đóng trên địa bàn thị trấn Quốc Oai. Cửa hàng không xuất trình được hóa đơn mua hàng đối với một số loại thuốc BVTV nên không biết rõ nhà cung cấp sản phẩm.
Theo TS Bùi Huy Hiền – nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, hiện nay, việc khuyến cáo sử dụng phân bón gần như “khoán trắng” cho DN nên không tránh khỏi tình trạng “con hát mẹ khen hay”. Cả nước có trên 800 đơn vị sản xuất và gần 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón, chủ yếu là quy mô nhỏ. Nhiều cơ sở không đáp ứng được điều kiện cần thiết nhưng vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh gây khó khăn cho công tác quản lý. “Tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhãn mác nhập nhèm đánh lừa nông dân vẫn còn phổ biến” – TS Bùi Huy Hiền cho hay.
Quản lý thế nào?
Phân bón, thuốc BVTV đóng vai trò rất quan trọng quyết định tới năng suất, chất lượng của cây trồng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, với diện tích 12 triệu héc ta gieo trồng hàng năm, cả nước sử dụng 10 - 11 triệu tấn phân bón/năm, trong đó sản xuất trong nước là 8 - 9 triệu tấn và nhập khẩu từ 2 - 3 triệu tấn. Bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Di Trạch, huyện Hoài Đức chia sẻ, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, thuốc BVTV nên nông dân thường mua theo hướng dẫn, khuyến cáo của các chủ đại lý bán hàng. Chính vì vậy, theo bà Oanh, cần phải xây dựng hệ thống các cửa hàng bán VTNN uy tín tại các địa phương để giúp người dân yên tâm hơn trong quá trình sản xuất.
Một trong những vấn đề bất cập hiện nay là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng VTNN không đồng nhất giữa các địa phương. Chẳng hạn với phân bón, có địa phương giao cho phòng trồng trọt thuộc Sở NN&PTNT, có nơi giao cho chi cục BVTV hoặc chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Hơn nữa, ở cấp cơ sở như quận, huyện tới xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý VTNN mà chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả quản lý chưa cao. Đây là những vần đề cần được tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý VTNN trong thời gian tới.
Cùng với việc siết chặt quản lý chất lượng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh việc hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho người nông dân để đảm bảo hiệu quả và ATTP. TS Bùi Huy Hiền cho hay, trên thị trường hiện nay có trên 2.000 loại phân bón qua lá khác nhau. Quan trọng nhất khi sử dụng là phải chọn đúng loại phân và tỷ lệ hòa tan trong nước. Hay đối với thuốc BVTV, chiếm tới 48% là thuốc trừ cỏ, nếu không được hướng dẫn cẩn thận, việc sử dụng thuốc sẽ gây tác dụng ngược đối với cây trồng.