Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao để người tham gia bảo hiểm thấy được lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đứng trên góc độ người tham gia bảo hiểm (BH) tự nguyện, cần phải đánh giá phần đóng góp của các cá nhân tham gia như một khoản mà họ đầu tư cho tương lai.

Do vậy, điều kiện cần và đủ để họ tham gia và tham gia với tính chất tự nguyện thì cần phải cho họ hiểu là họ sẽ được lợi. Và mọi thứ cần phải minh bạch, rõ ràng” - TS Bùi Trinh – chuyên gia có hơn 30 năm làm việc tại Tổng cục Thống kê đưa ra quan điểm như vậy khi đề cập đến việc thu hút mọi người tham gia BH xã hội tự nguyện và bắt buộc.

Theo TS Trinh, mức đóng góp cho một năm bất kỳ sẽ phụ thuộc vào giá trị của lãi suất đầu tư, và lãi suất đầu tư càng thấp thì giá trị đóng BH càng nhiều. Đây chính là phần cần xem xét lại. Ví dụ, một người tham gia BH có thu nhập tháng 2 triệu đồng thì mức đóng cho một năm là: 2.000.000 x 0,22 x 12 = 5.280.000 đồng. Người tham gia này muốn đóng BH xã hội cho năm 2018. Giả định lãi suất đầu tư do Bộ Tài chính công bố là 3%, 4%, 5%, 6% thì giá trị phải đóng cho năm 2018 tương ứng là 4.831.948 đồng, 4.693.901 đồng, 4.561.063 đồng, 4.433.190 đồng. Như vậy, “giá trị phải đóng một năm tương lai cao hay thấp so với giá trị đóng của năm hiện tại sẽ chỉ phụ thuộc vào giá trị lãi suất của quỹ đầu tư. Điều này có lẽ cần phải xem xét lại” - TS Trinh lưu ý.

Theo đó, TS Trinh và cộng sự Nguyễn Việt Phong đưa ra các khuyến nghị. Đó là, áp dụng lãi suất bình quân liên ngân hàng để tính toán cho mức đóng của người tham gia BH tự nguyện đối với trường hợp đóng cho tương lai và những năm còn thiếu. Không nên đề xuất mức đóng bao gồm cả lương, phụ cấp, thu nhập khác… mà chỉ nên khuyến khích người tham gia BH tự nguyện tham gia với mức tối thiểu là bao nhiêu. Ví dụ, thu nhập tối thiểu là 500.000 đồng/tháng thì có thể tham gia BH tự nguyện. Hiện, Bộ Tài chính kiến nghị nên tính cả các khoản khác ngoài lương vào công thức tính bảo hiểm. Tuy nhiên, riêng đối với những đối tượng là công chức, làm công ăn lương trong các DN có cả lương, thưởng, thu nhập khác ngoài lương, nếu tính thêm những phần khác thì tổng thu nhập sẽ giảm đi do phải đóng BH nhiều hơn.

Ngoài ra cũng nên thay đổi quy định về mức điều chỉnh giá trị các khoản đã đóng BH xã hội. Nếu giữ như hiện nay rất khó hiểu, vì thực chất đây chỉ là phần chuyển giá (xác định lại giá trị đã đóng) sau khi đã có chỉ số giá tiêu dùng của Tổng cục Thống kê công bố và áp dụng mức đóng BH xã hội chứ không phải mức điều chỉnh thu nhập tháng trong quá khứ. Hơn nữa, nếu chỉ quy định điều chỉnh giá trị các khoản đã đóng XH một lần khi tham gia BH xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu…, vậy chỉ số giá (lạm phát) của các năm sau có sự thay đổi lớn             thì có cần điều chỉnh lại không? Và điều chỉnh như thế nào? Ngoài ra nên để đối tượng lực lượng vũ trang tham gia trong các chương trình BH bắt buộc.