Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông chảy qua Hà Nội và những bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép đang trở nên nhức nhối và thách thức cơ quan chức năng.

Kéo theo sau những hoạt động này là hệ lụy khôn lường: Gây lãng phí tài nguyên, thất thoát nguồn thu thuế, thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai, cây trồng, gây bức xúc cho người dân... Thực trạng này thời gian qua đang diễn ra như thế nào, đâu là nguyên nhân, lực lượng chức năng có những biện pháp gì để xử lý? Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài viết làm rõ vấn đề này.

Bài 1: Vì lợi nhuận, bất chấp quy định của pháp luật

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục tuần tra, truy quét ngày đêm, nhưng hiện tượng khai thác cát trái phép tại các vùng bãi nổi trên các sông như sông Hồng, sông Đuống… vẫn ngang nhiên diễn ra. Còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý, và đặc biệt, nguồn thu “siêu lợi nhuận” từ khai thác cát, bến bãi vật liệu xây dựng chính là nguyên nhân để các đối tượng cố tình vi phạm.

Ngang nhiên lộng hành

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc khảo sát dọc hơn 100km đường đê sông Hồng chảy qua địa phận các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… Qua đó, mục sở thị cảnh khai thác cát gây sạt lở, rạn nứt điểm kè vùng bãi ven sông ở xã Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), xã Vân Phúc, Vân Nam (huyện Phúc Thọ), xã Minh Châu (huyện Ba Vì).
Chỉ chờ đêm xuống là những chiếc tàu này sẽ thả ống xuống hút cát (ảnh chụp tại sông Hồng, địa phận thị xã Sơn Tây). 	Ảnh: Hải Hữu
Chỉ chờ đêm xuống là những chiếc tàu này sẽ thả ống xuống hút cát (ảnh chụp tại sông Hồng, địa phận thị xã Sơn Tây). Ảnh: Hải Hữu
Tại các địa điểm trên, hàng chục con tàu ngang nhiên thả ống hút cát giữa ban ngày; hàng trăm con tàu đang neo đậu ven bờ sông Hồng địa phận huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh chỉ chờ đêm xuống là hút cát trái phép. Khi phóng viên chụp ảnh những con tàu hút cát tại khu vực xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) và bến đò Viên Sơn (thị xã Sơn Tây) đã bị một số đối tượng chửi bới, de dọa, thậm chí bắt bỏ máy ảnh trong túi đồ nghề ra để xóa hết hình ảnh vừa chụp tại bến đò.

Gần đây, do nạn “cát tặc” hoành hành khiến hàng trăm người dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì phải nhiều lần kéo nhau lên trụ sở UBND xã, UBND huyện yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành mật phục kiểm tra, xử lý thì các đối tượng chuyển hoạt động từ ban ngày sang đêm. Để việc khai thác cát được an toàn, có nơi đối tượng còn bố trí người theo dõi cán bộ chức năng để nắm bắt thông tin.

Bà Hoàng Thị Chanh - xã Minh Châu (huyện Ba Vì) than phiền: “Cách đây vài tháng, bãi nổi của xã không có dấu hiệu sạt lở, nhưng do lượng tàu khai thác lớn, rầm rộ kéo dài hàng cây số nên khu vực vùng bãi xã Minh Châu đã bị sạt sâu vào bên trong hàng trăm mét. “Cát tặc” không chấm dứt, chỉ vài tháng nữa bãi nổi sẽ biến mất, kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân xã đảo cũng trôi theo hà bá thôi”.

Trong khi đó, một người dân ở xã Thụy Phú (huyện Phú Xuyên) bày tỏ: “Do nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở vùng đất bãi nên năm 2011, Nhà nước đầu tư kè đá hơn 1km bờ sông Hồng địa bàn xã. Gần đây, mỗi khi đêm xuống là các đối tượng lại cho thuyền dạt vào bờ thả ống hút cát gây sạt lở, nứt kè đá. Cứ đà này, chẳng mấy chốc hàng tỷ đồng mà Nhà nước đầu tư kè đá cũng bị cuốn xuống lòng sông”.

Liệu có “đá ném ao bèo”?

Bộ Công an và Công an TP Hà Nội cùng Công an các huyện đã nhiều lần mở chuyên án lớn, mật phục làm rõ hành vi vi phạm. Cụ thể, ngày 5/1/2014, Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hà Nội và Công an huyện Thường Tín tuần tra trên tuyến sông Hồng đoạn địa phận xã Thống Nhất phát hiện 10 tàu thủy không biển kiểm soát, trọng tải 50 - 60 tấn đang hút cát trái phép. Qua điều tra xác định, các chủ tàu thường xuyên hút cát trên sông Hồng rồi bán cho Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Thị Thanh Huyền, cùng ở huyện Thường Tín. Với hành vi trên, 12 đối tượng đã bị truy tố trước pháp luật.

Ngày 8/11/2014, gần 200 cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT đường thủy phối hợp với Công an Hà Nội và Công an huyện Phúc Thọ tuần tra trên tuyến sông Hồng phát hiện bắt giữ 16 tàu cuốc, 31 tàu hàng và 3 tàu phao cẩu đang khai thác cát trái phép. Do tính chất phức tạp, đối tượng tham gia rất đông, nên vụ án này còn đang tiếp tục được mở rộng điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng khác có liên quan. Hai chuyên án “cát tặc” lớn này được phá, tưởng chừng sẽ thuyên giảm nạn khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do “siêu lợi nhuận” từ việc khai thác cát trái phép đem lại nên từ đầu năm 2015 đến nay, các đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm.

Trung tá Hoàng Ngọc Cương - Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Phương Độ thường xuyên có khoảng 6 - 7 tàu cuốc công suất lớn khoét sâu xuống lòng sông khoảng 30m để khai thác cát. Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng CA huyện đã tổ chức 3 đợt truy quét, bắt 7 trường hợp, xử phạt hơn 228 triệu đồng.

Theo Trung tá Cương, khi triển khai vây bắt do quân số mỏng, phương tiện hạn chế nên lực lượng công an chỉ thu giữ được 1 tàu cuốc và một số dụng cụ khai thác cát, còn các đối tượng thấy động đã bỏ chạy sang tàu khác. Ngày 25/7 vừa qua, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp Công an xã Sen Chiểu bắt quả tang tàu cuốc số hiệu PT-1877 đang khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng chuyển sang tàu chở hàng số hiệu HN-1034.

Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ kiến nghị: Công an TP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường bố trí lực lượng phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra xử lý các chủ tàu vi phạm. Đồng thời, bố trí phương tiện, cán bộ biết lái tàu kiên quyết đưa các phương tiện vi phạm về cảng Sơn Tây để tạm giữ, phục vụ công tác xử lý. Đối với các tàu tự đóng, không đăng ký, đăng kiểm, cần có biện pháp xử lý dứt điểm, thậm chí tịch thu phương tiện. Làm được như vậy mới dẹp bỏ được nạn “cát tặc”, tình hình an ninh trật tự vùng ven sông mới ổn định trở lại.

Còn theo lãnh đạo UBND xã Phương Độ, để đối phó với nạn “cát tặc” lộng hành trên sông, xã thường xuyên phân công lực lượng an ninh, trưởng các thôn, xóm tuần tra canh gác. Tuy nhiên, cái khó là khi kiểm tra, các chủ tàu xuất trình được giấy phép khai thác cát do tỉnh Vĩnh Phúc cấp, nên rất khó xử lý...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, UBND huyện xác minh và thấy gần đây có nhiều tàu hút cát trái phép gây sạt lở vùng bãi. Trước tình hình này, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp và triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành giao cho Công an huyện làm tổ trưởng để tuần tra, kiểm soát. “Thực tế, trên địa bàn huyện có những đơn vị có giấy tờ, hồ sơ, thủ tục hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Nhưng cũng có đơn vị, cá nhân không phép hoạt động lén lút, khi kiểm tra không xuất trình được giấy phép khai thác hợp pháp. Sau nhiều lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt được 16 vụ với 16 tàu cuốc, tàu hút cát, xử phạt 220 triệu đồng. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng luôn cố tình tái phạm” - ông Hải chia sẻ.

(Còn nữa)